Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) họp trực tuyến từ ngày 21/3 đến 1/4, với sự tham gia của các đại diện gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhằm tìm các biện pháp khẩn cấp chống chọi tác động của biến đổi khí hậu. Các giải pháp trong kỳ họp của IPCC được kỳ vọng góp phần tạo bước ngoặt mới trong hành động bảo vệ trái đất.
Điểm nhấn tại kỳ họp kéo dài hai tuần lần này là việc các bên đánh giá bản báo cáo dài gần 3.000 trang của IPCC, trong đó vạch ra các phương án cụ thể về giảm phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời thu gom và xử lý các loại khí thải này. Phân tích những dữ liệu về tác động của biến đổi khí hậu trong quá khứ, cũng như những hạn chế trong năng lực thích ứng của nhân loại, IPCC khẳng định việc trì hoãn hành động vì khí hậu sẽ làm giảm nghiêm trọng cơ hội duy trì môi trường sống.
Theo Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015, các bên tham gia ký kết cam kết hành động để giới hạn sự tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 20C và lý tưởng nhất là 1,5 độ C. Các nghiên cứu khoa học cũng như thực tế những hiện tượng thời tiết cực đoan gây chết người đã chỉ ra rằng, mục tiêu kiềm chế sự nóng của trái đất ở mức 1,5 độ C là ngưỡng an toàn cho hành tinh xanh. Tuy nhiên, với các bằng chứng khoa học về tốc độ ấm lên trên toàn cầu, mực nước biển dâng, sự thay đổi trong tần suất, thời gian và cường độ của các trận bão, nắng nóng và hạn hán…, IPCC dự báo chỉ trong mười năm tới, nhiệt độ bề mặt trái đất có nguy cơ tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Ngay trước thềm kỳ họp của IPCC, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát đi thông điệp, trong đó nhấn mạnh cảnh báo mục tiêu kiềm chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu đang “dần trôi qua”. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng, thế giới đang “thờ ơ” với thảm họa khí hậu trong bối cảnh đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị và tình trạng thiếu ý chí chính trị đã cản trở nỗ lực của con người trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông Guterres cảnh báo, nếu tình trạng “thờ ơ” tiếp diễn, thế giới có thể không đạt được mục tiêu kiềm chế tăng nhiệt độ trái đất ở mức 1,5 độ C, mục tiêu 2 độ C còn xa vời…
Ðể tránh những tác động nghiêm trọng của tình trạng nóng lên toàn cầu, ông Guterres cho rằng, thế giới phải giảm gần 50% lượng khí nhà kính vào năm 2030 và đạt mục tiêu trung hòa các-bon vào giữa thế kỷ này. Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, đáng buồn là tại ngay cả các quốc gia tuân thủ cam kết mới được sửa đổi theo Thỏa thuận Paris, lượng khí thải dự kiến vẫn tăng 14% trước khi thập niên này kết thúc.
Giảm phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch, một trong những nguồn phát khí thải lớn nhất hiện nay, không phải là việc dễ dàng. Trước thềm kỳ họp của IPCC, Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu Tyndall công bố báo cáo cho thấy, các nước giàu cần chấm dứt hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt vào năm 2034, nếu thế giới muốn kiềm chế sự tăng nhiệt độ trái đất ở mức 1,5 độ C. Tuy nhiên, thế giới cần cho các nước nghèo thêm thời gian để thay thế nguồn thu nhập từ nhiên liệu hóa thạch. Sản lượng khai thác nhiên liệu hóa thạch của một số quốc gia nghèo chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng của thế giới, nhưng họ lại phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu nhập đó.
Cùng với Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới, tại Ai Cập, những đề xuất tại kỳ họp của IPCC sẽ là gợi ý quý giá với các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Song, trách nhiệm thực hiện hành động tiếp theo thuộc về các nhà hoạch định chính sách, nếu không muốn thất bại trước “những thảm họa không thể đảo ngược” từ biến đổi khí hậu.