Mọi người thường nghĩ đến thực vật, với khả năng hấp thụ carbon, hơn là động vật khi đề cập đến việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Current Biology mới đây đã chỉ ra vai trò quan trọng của các loài động vật hoang dã lớn trong khôi phục hệ sinh thái và ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Giáo sư Yadvinder Malhi, đến từ Viện Thay đổi Môi trường (ECI), Đại học Oxford cho biết: “Các nỗ lực bảo tồn thường chỉ tập trung vào cây cối, carbon hoặc bảo tồn các loài động vật có vú lớn. Nghiên cứu này xem xét xem liệu có thể điều chỉnh các hoạt động này hay không? Trong bối cảnh nào thì việc bảo vệ và phục hồi các loài động vật hoang dã lớn có thể giúp chúng ta đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu?”
Các nhà nghiên cứu chỉ ra ba điểm tiếp xúc sinh thái quan trọng mà các động vật lớn như voi, tê giác, hươu cao cổ, cá voi, bò rừng và nai sừng tấm có tiềm năng giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu lớn nhất là: trữ lượng carbon, suất phản chiếu (khả năng bề mặt phản xạ bức xạ mặt trời) và các chế độ cháy.
Trong quá trình ăn cỏ, các động vật ăn cỏ lớn sẽ phát tán hạt giống, dọn cỏ và bón phân cho đất, giúp hình thành các hệ sinh thái đa dạng và có khả năng hồi phục cao hơn. Các hoạt động này giúp duy trì, tăng dự trữ carbon trong đất, rễ và các bộ phận trên mặt đất của thực vật, từ đó giúp giảm lượng phát thải CO2 trong khí quyển.
Khi các loài động vật lớn gặm cỏ, giẫm đạp lên thảm thực vật, chúng có thể thay đổi môi trường sống từ những cây bụi rậm rạp thành cây bụi và đồng cỏ, làm lộ ra mặt đất phủ tuyết ở các vùng cực. Những môi trường sống này nhờ đó có suất phản chiếu cao hơn và phản xạ nhiều bức xạ mặt trời vào khí quyển hơn, giúp làm mát bề mặt Trái Đất.
Năm 2021, lượng khí thải CO2 từ các vụ cháy rừng trên toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục. Khi cháy rừng, carbon dự trữ trong cây cối và thảm thực vật sẽ thải vào khí quyển dưới dạng khí nhà kính. Voi, tê giác, ngựa vằn và các loài động vật ăn cỏ lớn khác trong quá trình di chuyển có thể giẫm đạp, làm đổ các cây thân gỗ, tạo thành các khoảng trống trong thảm thực vật, từ đó gián tiếp làm giảm nguy cơ cháy rừng.
Nghiên cứu cũng đánh giá tiềm năng quá trình bảo vệ và phục hồi động vật hoang dã lớn có thể hỗ trợ cho các nỗ lực biến đổi khí hậu, từ đó đưa ra một số điểm tương tác giữa động vật – khí hậu, để đưa đến cơ hội “đôi bên cùng có lợi”.
Ở các hệ sinh thái đồng cỏ ôn đới, nhiệt đới và cận nhiệt đới, các loài động vật lớn có thể giúp làm giảm cháy rừng và bụi rậm, tăng suất phản chiếu và giúp lưu giữ carbon trong thảm thực vật và đất. Bảo vệ các loài động vật hoang dã lớn trong các hệ sinh thái phức hợp này sẽ giúp gia tăng đa dạng sinh học và khả năng phục hồi sinh thái trong khu vực.
Tiến sĩ Tonya Lander, Khoa Khoa học Thực vật, Đại học Oxford cho biết: “Động vật cũng giúp thích ứng cục bộ với biến đổi khí hậu trong các môi trường này bằng cách đa dạng hóa thảm thực vật và tăng tính không đồng nhất của môi trường sống. Sự đa dạng loài và vi sinh vật khiến toàn bộ hệ sinh thái hoạt động tốt hơn, giúp chống lại biến đổi khí hậu, trở lại trạng thái ổn định sau sự xáo trộn do tác động từ khí hậu hoặc đưa đến ở một trạng thái ổn định mới trong điều kiện khí hậu thay đổi.”
Khi các loài động vật ăn cỏ lớn có mặt trong hệ sinh thái lãnh nguyên, chúng ngăn chặn sự xâm lấn của thực vật thân gỗ, giúp các loài thực vật có hoa và cỏ bản địa phát triển mạnh mẽ hơn, tạo nhiều khoảng đất trống hơn khi khí hậu lạnh. Sự tiếp xúc đó duy trì lớp băng vĩnh cửu và ngăn không cho carbon trong đất phát tán vào khí quyển. Các chương trình phục hồi quần thể bò rừng và các loài động vật khác ở lãnh nguyên Bắc Cực đóng vai trò quan trọng trong cả công cuộc bảo tồn và thích ứng với biến đổi khí hậu ở quy mô địa phương.
Với hệ sinh thái biển, cá voi và các loài động vật lớn khác giúp các loài thực vật phù du phát triển. Thực vật phù du ước tính thu giữ 37 tỷ tấn CO2 mỗi năm và có thể giải phóng các phân tử vào không khí, giúp hình thành các đám mây và phản xạ ánh sáng mặt trời vào khí quyển.
Các loài động vật ăn thịt lớn trên cạn và dưới biển cũng ảnh hưởng lớn đến các quá trình này thông qua ảnh hưởng của chúng đến sự phong phú và hành vi của động vật ăn cỏ.
Giáo sư Malhi kết luận: “Nghiên cứu chỉ rõ những lỗ hổng trong kiến thức của chúng ta, chẳng hạn như hiểu biết của chúng ta về đất đai và đại dương sâu thẳm. Do đó, cần có nhiều nghiên cứu toàn diện hơn nữa để xác định các cơ hội mới trong cả khôi phục động vật hoang dã lớn và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.”
Ánh Nguyệt (Theo Phys)