Sáng 24/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đối với các mỏ tại Yên Bái, Thái Nguyên và Tây Ninh.
Báo cáo kết quả thăm dò quặng sắt khu vực Làng Mỵ 2, xã Nghĩa Tâm và xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, ông Lê Văn Quang thuộc Liên đoàn Địa chất Xạ – Hiếm, đơn vị tư vấn cho biết: Liên đoàn đã nghiên cứu, thu thập tài liệu địa chất khoáng sản, tổng hợp kết quả thi công thực địa và các tài liệu kinh tế – xã hội có liên quan đến khu vực thăm dò nhằm bảo đảm chất lượng và nâng cao hiệu quả công tác thăm dò.
Kết quả thăm dò đã tính được trữ lượng quặng sắt cấp 122 trong diện tích thăm dò là 1.706 nghìn tấn. Ngoài ra, báo cáo đã dự tính tài nguyên cấp 333 là 550 nghìn tấn.
Theo ông Đỗ Văn Định – Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, đơn vị tư vấn đã tổng hợp đầy đủ các kết quả thăm dò, xác định được đặc điểm địa chất và đánh giá được quy mô, chất lượng quặng sắt trong diện tích thăm dò.
Báo cáo kết quả thăm dò mỏ than khu mỏ Núi Hồng, thuộc các xã Yên Lãng, Na Mao và Phú Cường, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, ông Lê Đức Long – Giám đốc Công ty Cổ phần Địa chất Việt Bắc – TKV, đơn vị tư vấn cho biết, đơn vị đã xác lập được cấu trúc địa chất, các yếu tố uốn nếp và sự tồn tại trong không gian của các vỉa than, xác định các thông số về chất lượng than, điều kiện địa chất thủy văn – địa chất công trình và khí mỏ của khu mỏ Núi Hồng đáp ứng yêu cầu thiết kế, khai thác than khu vực.
Trữ lượng và tài nguyên than trong phạm vi Giấy phép thăm dò khoáng sản số 2099/GP-BTNMT ngày 30/8/2017 (không kể trữ lượng và tài nguyên than trong phạm vi giấy phép khai thác đã cấp trong diện tích thăm dò) từ lộ vỉa đến mức -240m là 7.684 nghìn tấn, trong đó, trữ lượng cấp 122 là 5.691 nghìn tấn, tài nguyên cấp 333 phần vỉa dưới sâu là 1.993 nghìn tấn.
Ông Lê Văn Lượng – Phó Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đánh giá, trữ lượng đạt 75% mục tiêu đề án đặt ra, chủ yếu tập trung ở vỉa 1 và vỉa 2; phía Đông Nam vỉa 1 và vỉa 2 là tài nguyên cấp 333 rất có triển vọng, TKV (chủ đầu tư) cần có kế hoạch thăm dò nâng cấp. Trong quá trình khai thác sau này, TKV cần lưu ý công tác nghiên cứu chất lượng và tính chất công nghệ của phần than dưới sâu, đặc tính chứa phóng xạ và các nguyên tố hiếm ở mỏ.
Báo cáo kết quả tổng hợp tài liệu đánh giá bổ sung trữ lượng chất lượng đá vôi dolomit đi kèm trong phạm vi Giấy phép khai thác số 922/GP-BTNMT ngày 28/4/2017 mỏ đá vôi, đá sét sroc Con Trăng, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, ông Võ Khắc Yên thuộc Công ty CP tư vấn mỏ và xây dựng Trường Xuân, đơn vị tư vấn cho hay, tổng trữ lượng đá vôi dolomit đi kèm cấp 121+122 xác định trong phạm vi của Giấy phép khai thác 922 trong báo cáo thăm dò năm 2006 là 16.307,62 nghìn tấn. Trong đó, trữ lượng đá vôi dolomit còn lại tính theo hiện trạng đến tháng 6/2021 là 14.385,69 nghìn tấn, trữ lượng đã khai thác là 1.921,93 nghìn tấn.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên và các thành viên Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đã thông qua trữ lượng của 3 mỏ trên, xác định độ chính xác của các con số về tài nguyên và trữ lượng. Trên cơ sở báo cáo được Hội đồng phê duyệt, Thứ trưởng Trần Quý Kiên yêu cầu các đơn vị lập báo cáo triển khai các công việc tiếp theo.