Quảng Bình phấn đấu đến năm 2025, có 7.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, giúp nâng cao giá trị kinh tế và đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu…
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, được sự hỗ trợ của Tập đoàn An Việt Phát và Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt, đến nay, toàn tỉnh đã có trên 4.300 ha rừng trồng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Huyện Tuyên Hóa là địa phương có diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC nhiều nhất với trên 3.070 ha; tiếp đến là Lệ Thủy 740 ha và huyện Quảng Ninh 490 ha.
Để rừng được cấp chứng chỉ FSC, các đơn vị đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn và xây dựng hồ sơ kỹ thuật cho nhóm hộ theo yêu cầu quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC của Hội đồng Quản lý rừng thế giới (GFA ).
Các đơn vị hỗ trợ cũng đã mời GFA đánh giá và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, hỗ trợ chi phí đánh giá, cấp chứng chỉ…
Người dân muốn tham gia cấp chỉ FSC cần có đất trồng rừng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước khi chuyển đổi, bà con phải vệ sinh rừng sạch sẽ, tuyệt đối không vứt rác thải nhựa vào rừng.
Trong quá trình chăm sóc, nếu phát hiện những cây bản địa có giá trị thì giữ lại để chăm sóc. Các vị trí có giá trị bảo tồn như: Mồ mả, am, miếu, khe suối… cũng được bảo vệ nghiêm ngặt.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, sau khi rừng được cấp chứng chỉ FSC, sản phẩm từ gỗ rừng trồng của bà con sẽ đủ điều kiện xuất khẩu.
Người dân còn được các đơn vị ký cam kết bao tiêu sản phẩm cao hơn 10 – 20 % so với sản phẩm không có chứng chỉ, xây dựng vườn ươm để cung cấp cây giống.
Thời gian tới, Quảng Bình sẽ chú trọng mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC tại huyện Minh Hóa và Bố Trạch, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 7.000 ha diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.