Một cuộc khảo sát về dữ liệu ô nhiễm ở 6.475 thành phố trên toàn thế giới công bố ngày 22/3 cho thấy, không một quốc gia nào đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2021, và khói mù thậm chí còn bùng phát trở lại ở một số khu vực.
Năm 2021, theo hướng dẫn mới, WHO đã giảm mức giới hạn nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình hằng năm được khuyến nghị từ 10 microgam/m3 xuống 5 microgam/m3 vì cho rằng ngay cả nồng độ thấp cũng gây ra những rủi ro sức khỏe đáng kể.
Nhưng theo dữ liệu của IQAir, một công ty giám sát chất lượng không khí của Thụy Sĩ, chỉ có 3,4% các thành phố được khảo sát đạt tiêu chuẩn này vào năm 2021. Có tới 93 thành phố có mức PM2.5 cao gấp 10 lần mức khuyến nghị.
Bà Christi Schroeder, Giám đốc khoa học chất lượng không khí của IQAir cho biết: “Có rất nhiều quốc gia đang đạt được những bước tiến lớn trong việc giảm lượng khí thải. Trung Quốc bắt đầu với giảm mạnh và đang tiếp tục giảm theo thời gian. Nhưng cũng có những nơi trên thế giới đang trở nên tồi tệ hơn đáng kể”.
Dữ liệu năm 2021 cho thấy mức độ ô nhiễm tổng thể của Ấn Độ trở nên tồi tệ hơn và New Delhi vẫn là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Bangladesh là quốc gia ô nhiễm nhất, cũng không thay đổi so với năm trước, trong khi Chad xếp thứ hai sau khi dữ liệu của quốc gia châu Phi lần đầu tiên được đưa vào.
IQAir cho biết, Trung Quốc, quốc gia đã bắt đầu cuộc chiến với ô nhiễm từ năm 2014, đã tụt từ vị trí thứ 14 năm 2020 xuống vị trí thứ 22 trong bảng xếp hạng PM2.5 vào năm 2021, với chỉ số trung bình cải thiện một chút lên 32,6 microgam.
Hotan ở khu vực Tây Bắc Tân Cương là thành phố bụi bặm nhất của Trung Quốc, với chỉ số PM2.5 trung bình hơn 100 microgam, phần lớn do bão cát gây ra.
Thành phố này rơi xuống vị trí thứ ba trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới sau khi bị hai thành phố của Ấn Độ là Bhiwadi và Ghaziabad vượt qua.