UBND TP Hà Nội vừa giao Sở GTVT xây dựng dự án phát triển xe đạp công cộng để thực hiện tại 5 quận trung tâm. Đây là mẫu xe đạp được thiết kế đặc biệt với nhiều tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dùng.
Dự thảo đề án “Xe đạp đô thị” vừa được Sở GTVT Hà Nội hoàn thiện, báo cáo UBND thành phố, đối tượng phục vụ được dự án đặt ra là người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, học sinh , sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn; khách du lịch; xe đạp được sử dụng cho dự án này tại 5 quận trung tâm bao gồm xe đạp truyền thống, xe điện 2 bánh… Dự án chia làm hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 (thực hiện trong 1 năm): Ở giai đoạn này sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Được bố trí từ 70 đến 80 vị trí tại các quận: Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Thời gian dự kiến thực hiện từ năm 2022 đến 2023.
Giai đoạn 2, dự kiến từ năm 2023 đến 2024, dự án mở rộng vùng phục vụ: Tập trung phát triển mở rộng vùng dịch vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm, chi tiết các địa điểm này sẽ được đơn vị thực hiện và các cơ quan có liên quan khảo sát, lựa chọn cụ thể.
Tổng chi phí của dự án dự kiến khoảng 26 tỉ đồng (nhà đầu tư tự bỏ vốn và khai thác). Dự án dự kiến thực hiện thí điểm trong vòng 18 tháng, mức phí được đưa ra để người dân có thể sử dụng xe đạp điện là khoảng 20.000 đồng/giờ hoặc 200.000 đồng/ngày. Để hỗ trợ dự án, nhà đầu tư đề xuất UBND thành phố hỗ trợ một số địa điểm đặt trạm sạc tại các địa điểm đặt xe phục vụ người dân.
Đơn vị được lựa chọn để phối hợp với Sở GTVT xây dựng dự án là Công ty Trí Nam, đây cũng là đơn vị đang triển khai xe đạp công cộng tại TPHCM trong năm 2021; Công ty Trí Nam cũng là doanh nghiệp đầu tư bộ kinh phí thực hiện dự án trên.
Theo Công ty Trí Nam, đại diện dự án : “Người dân chỉ cần nạp tiền tối thiểu 10.000 đồng có thể thuê xe và không cần đặt cọc. Giá 5.000 đồng/30 phút và 10.000 đồng/tiếng. Đây là dịch vụ thuận tiện, tạo môi trường xanh, sức khỏe, chủ động chuyến đi dù là phương tiện công cộng. Qua quan sát trên thế giới, việc dịch vụ xe đạp công cộng là tốt cho xã hội”.