Dự án Thủy điện Đắk Bla 3 là một điển hình về những bất cập mà thủy điện vừa và nhỏ gây ra, chủ đầu tư thủy điện này còn muốn đầu tư thêm 3 thủy điện khác ở huyện biên giới Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum.
Bị dân phản đối vì ảnh hưởng môi trường
Việc người dân không đồng ý xây dựng thủy điện ở làng du lịch vì ảnh hưởng môi trường nhiều lần bị phản ánh, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu lấy ý kiến phản biện về dự án này. Mặt khác, chủ đầu tư thủy điện này còn muốn đầu tư thêm 3 thủy điện khác ở huyện biên giới Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum, mặc dù công ty này chưa có kinh nghiệm xây dựng thủy điện nào ở địa phương này.
Ngày 23/3, liên quan đến việc dân phản đối xây dựng Thủy điện Đắk Bla 3, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản giao Sở KH-ĐT Kon Tum phối hợp với các đơn vị liên quan lấy ý kiến phản biện của Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Kon Tum và Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum đối với dự án này trước khi tham mưu trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và UBND tỉnh xem xét cấp chủ trương đầu tư.
Cùng với Thủy điện Đắk Bla 3 nói trên, Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển điện Chiến Thắng (gọi tắt là Công ty Chiến Thắng, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum), chủ đầu tư thủy điện nói trên đã xin đầu tư thêm 3 thủy điện khác gồm dự án Thủy điện Sa Thầy 1, 2 và 3.
Trong đó, Thủy điện Sa Thầy 1 có công suất 9,5MW, tổng vốn đầu tư 331 tỷ đồng. Dự án Thủy điện Sa Thầy 2 có công suất 11,2MW, tổng vốn đầu tư là 390 tỷ đồng. Dự án Thủy điện Sa Thầy 3 có công suất 10,5MW, tổng vốn đầu tư là hơn 366 tỷ đồng. Cả 3 dự án này xây dựng ở sông Sa Thầy, qua 3 xã biên giới là Ia Đal, Ia Tơi và Ia Dom (huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum).
Giám đốc Sở Công thương Kon Tum – ông Lê Như Nhất, cho biết , Thủy điện Sa Thầy 1, 2 và 3 chỉ mới ở giai đoạn chủ đầu tư xin chỉ trương đầu tư chứ chưa được cấp chủ trương đầu tư.
Ông Bùi Văn Nhàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum cũng cho hay, dự án chưa lấy ý kiến của huyện cũng như tham vấn ý kiến cộng đồng dân vùng dự án. Về lo ngại ảnh hưởng của các thủy điện này mang lại, ông Nhàng cho biết, huyện chưa biết quy mô dự án, chưa biết rõ vùng ngập… nên chưa nắm, đánh giá được.
Được biết, 4 dự án thủy điện do Công ty Chiến Thắng đề nghị đầu tư nói trên có thời gian dự kiến đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng là từ quý III năm 2021 đến quý III năm 2025.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển điện Chiến Thắng đăng ký lần đầu vào năm 2017 do Sở KH-ĐT Kon Tum cấp. Công ty này có vốn điều lệ là 250 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng vốn dự kiến để thực hiện 4 dự án nói trên là 1.387 tỷ đồng. Dư luận lo ngại liệu công ty này có đủ năng lực vốn và kinh nghiệm để làm một lúc 4 thủy điện nếu tất cả 4 thủy điện đều được chấp thuận.
Trong khi đó, ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương Kon Tum cho biết, trên địa bàn, Công ty Chiến Thắng chưa thi công thủy điện nào, cũng chưa có kinh nghiệm thi công thủy điện.
Nhiều hệ lụy từ thủy điện nhỏ
Báo cáo đối thoại, tham vấn của Sở Công thương Kon Tum cho thấy, bên cạnh mặt tích cực, dự án khi triển khai sẽ làm mất đi cảnh quan hoang sơ; các ghềnh đá, bãi sông sẽ bị ngập trong lòng hồ thủy điện; việc du lịch bằng thuyền độc mộc phần nào bị ảnh hưởng. Dự án khi thi công sẽ tác động đến môi trường, ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch tìm đến nơi yên tĩnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Cao (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh) cho rằng, sông Đắk Bla có vai trò quan trọng, bao bọc xung quanh thành phố, tạo cảnh quan đẹp, điều tiết khí hậu cho TP Kon Tum. Đây cũng là nơi sinh sống, là nguồn sống của đồng bào dân tộc nhiều đời ở Kon Tum.
Trên sông Đắk Bla trước đã có một thủy điện xây dựng. Thủy điện Đắk Bla 3 là thủy điện nhỏ, nếu xây dựng sẽ phá vỡ cảnh quan, tác động đến môi trường, làm mất đất sản xuất của dân, dòng chảy mùa khô không đảm bảo nên hạ du vào mùa khô sẽ bị cạn kiệt, nguồn lợi từ cá sẽ không còn. Do đó, ông Cao cho rằng, nếu đơn thuần dự án chỉ là xây thủy điện thì không nên làm.
Một nhà nghiên cứu, phát triển thủy điện ở Kon Tum đánh giá rằng, ở góc độ nhà đầu tư, thủy điện này sẽ không mang lại hiệu quả. Lý do bởi diện tích chiếm dụng đất nhiều, lại ảnh hưởng lớn đến cộng đồng dân cư của TP Kon Tum nói chung và cả làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu nói riêng. Mặc khác, ở thời điểm này, đối với năng lượng tái tạo nói chung và thủy điện nói riêng thì giá mua điện rất thấp.
Dự án Thủy điện Đắk Bla 3 là một điển hình về những bất cập mà thủy điện vừa và nhỏ gây ra. Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt tồn tại trong quy hoạch, quản lý, giám sát và vận hành thủy điện tại Kon Tum. Trong đó, việc phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ chưa quan tâm đúng mức đến ảnh hưởng môi trường, đất rừng.
Quy hoạch 81 thủy điện chiếm hơn 1.100 ha đất rừng có biểu hiện chạy theo nhà đầu tư. Mặt khác, năm 2019, UBND tỉnh có văn bản tạm dừng chủ trương khảo sát, lập hồ sơ bổ sung các công trình thủy điện vừa và nhỏ vào quy hoạch, nhưng chỉ đạo này chưa được thực hiện triệt để, khi một năm sau vẫn có 26 thủy điện được bổ sung vào quy hoạch.
Theo Thanh tra Chính phủ cho cho biết, UBND tỉnh Kon Tum cần rà soát, điều chỉnh, loại bỏ bớt các dự án thủy điện quy mô vừa và nhỏ, tránh nguy cơ xảy ra lũ lụt do thủy điện chiếm đất rừng, làm ảnh hưởng đến môi trường, mất tài nguyên.
Thanh Tra Chính phủ (TTCP) xác định việc tỉnh Kon Tum phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ và vừa còn chưa quan tâm đúng mức đến việc ảnh hưởng tới môi trường, đất rừng. Địa phương này đã quy hoạch 81 công trình thủy điện, chiếm hơn 1.158 ha đất rừng. Trong đó, diện tích rừng sản xuất là trên 951 ha, rừng phòng hộ 43 ha, rừng đặc dụng 163 ha. Việc quy hoạch này có biểu hiện chạy theo nhà đầu tư.
Mặc dù năm 2019, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản tạm dừng chủ trương khảo sát, đánh giá tiềm năng và lập hồ sơ bổ sung các công trình thủy điện vừa và nhỏ vào quy hoạch, nhưng chỉ đạo này thực hiện chưa triệt để. Sau thời điểm ban hành văn bản, vẫn có 26 thủy điện được bổ sung quy hoạch trong năm 2020. TTCP đề nghị UBND tỉnh Kon Tum cần rà soát, điều chỉnh, loại bỏ bớt các dự án thủy điện quy mô nhỏ và vừa, tránh nguy cơ xảy ra lũ lụt do thủy điện chiếm đất rừng, làm ảnh hưởng đến môi trường và mất tài nguyên rừng. |