Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam tiếp tục chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn FDI, đưa hoạt động đầu tư nước ngoài chuyển sang giai đoạn mới.
Cho dù nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam theo hướng giảm số lượng, tăng về chất lượng, loại bỏ dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng bắt đầu phát huy tác dụng.
Năm 2022 được dự báo sẽ thuận lợi cho việc thu hút dòng vốn quốc tế. Và Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Kỳ vọng khởi sắc
Trong 2 tháng đầu năm 2022, vốn FDI vào Việt Nam, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đã đạt 769,6 triệu USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Số dự án đăng ký mới tăng tới 45,2%, đạt 183 dự án. Tuy nhiên, đầu tư đăng ký mới đạt 631,8 triệu USD, giảm 80,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết việc vốn đầu tư đăng ký mới hai tháng đầu năm 2022 giảm mạnh so với cùng kỳ là hoàn toàn dễ hiểu. Đó là bởi hai tháng đầu năm ngoái, nhiều dự án quy mô trên 100 triệu USD đăng ký đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt còn có Dự án nhiệt điện Ô Môn II, với mức mức đầu tư 1,3 tỷ USD.
Trong khi đó, 2 tháng đầu năm 2022, chỉ có một dự án có vốn đầu tư lớn có vốn 136,4 triệu USD. Điều này khiến trong 2 tháng qua, Việt Nam mới thu hút được gần 5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, sự sụt giảm này có thể chỉ mang tính thời điểm, khi các dự án quy mô lớn vẫn đang chờ được cấp chứng nhận đầu tư và không ảnh hưởng đến xu hướng phục hồi của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết sự suy giảm dự án đầu tư mới chủ yếu tập trung vào nhóm quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam theo hướng giảm số lượng, tăng về chất lượng, loại bỏ dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng bắt đầu phát huy tác dụng.
Tỷ lệ vốn FDI vào ngành nghề nguy cơ ô nhiễm cao, công nghệ lạc hậu như dệt nhuộm đã giảm dần. Không chỉ tăng về số lượng, dòng vốn FDI vào Việt Nam còn xuất hiện dự án chất lượng cao, xu hướng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo.
Tiêu biểu như Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty liên doanh trách nhiệm hữu hạn Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam. Dự án quy mô đầu tư hơn 1 tỷ USD ở khu đất rộng 44ha, thuộc tỉnh Bình Dương, mang đến 4.000 cơ hội việc làm trong vòng 15 năm tới. Dự kiến, nhà máy được khởi công nửa cuối năm 2022 và hoạt động trong năm 2024.
Theo kế hoạch, đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO và có phần đầu tư cho sản xuất năng lượng Mặt Trời, bảo đảm không bị ô nhiễm môi trường, khói bụi và chất thải. Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, tỉnh sẽ cố gắng mời gọi những dự án xanh đến với địa phương và sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư.
Trong tổng số quốc gia đầu tư vào Việt Nam, Singapore vươn lên dẫn đầu với vốn đăng ký trên 1,7 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam và tăng 59,3% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 1,4 tỷ USD, chiếm 28,2% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản… Đây là những quốc gia được đánh giá có dự án công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Quang Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, trong 2 tháng đầu năm, tỉnh Bắc Ninh cấp mới cho 16 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 33,8 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 22 dự án với số vốn điều chỉnh tăng gần 1,3 tỷ USD. Hiện, Bắc Ninh đang dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,3 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 7,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, hai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD và dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Goertek) điều chỉnh tăng thêm gần 306 triệu USD vốn đầu tư tại Khu công nghiệp Quế Võ.
Ông Nguyễn Quang Thành cho biết cùng với những giải pháp tích cực từ Chính phủ, tỉnh Bắc Ninh ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thiệt hại, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Không chỉ tăng vốn đầu tư dự án mới, nhiều tập đoàn lớn đã và đang mở rộng dự án tại Việt Nam sau khi đạt được nhiều thành công về kinh doanh. Mới đây, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã tới làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và mong muốn nhanh chóng hoàn tất các thủ tục đầu tư cần thiết. Chỉ cần có một dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng tốc. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào kết quả phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.
Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn, hấp dẫn
Năm 2022 được dự báo sẽ thuận lợi cho việc thu hút dòng vốn quốc tế. Trước hết, Việt Nam đang tích cực cải cách thủ tục hành chính nên việc khảo sát, làm các thủ tục đầu tư hay kết nối, lưu thông hàng hóa diễn ra thuận lợi. Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang phục hồi nhanh chóng, nhu cầu tiêu dùng thế giới từng bước gia tăng trở lại là cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất.
Cùng với đó, các hoạt động đối ngoại của Việt Nam dự báo cũng tiếp tục sôi động; trong đó có sự chủ động lồng ghép nội dung xúc tiến đầu tư. Riêng trong chuyến sang châu Âu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cuối năm 2021, tổng giá trị các cam kết, biên bản ghi nhớ hợp tác, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước lên tới 30 tỷ USD và sẽ là “quả ngọt” trong năm 2022 cũng như thời gian tiếp theo.
Ông Takeo Nakajama, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho rằng thời gian gần đây, dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam cũng bắt đầu có sự điều chỉnh với sự tham gia nhiều của các dự án trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ hướng đến thị trường nội địa của Việt Nam và thị trường xuất khẩu nhằm tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã tham gia.
Điển hình của sự chuyển hướng này là sự kiện Uniqlo – thương hiệu thời trang toàn cầu đến từ Nhật Bản và Tập đoàn bán lẻ AEON liên tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua. Đây cũng là sự chuyển hướng tích cực nhằm vào thị trường bán lẻ tiềm năng với dân số gần 100 triệu dân của Việt Nam, cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế được dự báo khá tích cực trong năm 2022.
Trước đó, JETRO cũng đã công bố kết quả khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2021. Kết quả cho thấy mặc dù Việt Nam chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 trong năm 2021 nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn rất lạc quan với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2021 và cả năm 2022. Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản dự định sẽ mở rộng kinh doanh trong vòng 1-2 năm tới tại Việt Nam vẫn đạt 55,3%, đứng đầu khu vực ASEAN.
Ngoài doanh nghiệp Nhật Bản hay châu Âu, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang có kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh, qua đó khẳng định Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2022.
Để tăng cường thu hút dòng vốn FDI, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết Việt Nam tiếp tục chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc (giảm số lượng, tăng về chất lượng), đưa hoạt động đầu tư nước ngoài chuyển sang giai đoạn mới.
Năm 2022 cũng là thời điểm các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia của châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… tái cơ cấu, phân bổ nguồn lực và mạng lưới sản xuất-cung ứng toàn cầu của mình.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn, Việt Nam vẫn có thể khai thác tốt các dư địa, phát huy thế mạnh nhờ vị trí địa lý thuận lợi, môi trường đầu tư-kinh doanh ngày càng cải thiện và tiến bộ. Hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông và năng lượng cũng đồng bộ hơn nên sẽ hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài trong việc sắp xếp mạng lưới sản xuất theo xu hướng đa dạng hóa khu vực, đẩy mạnh xuất khẩu.
Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng cho rằng tập trung kêu gọi đầu tư vào những ngành công nghệ cao, công nghệ nguồn là xu hướng tất yếu, để đầu tư nước ngoài đóng góp nhiều hơn vào quá trình chuyển dịch cơ cấu và hiện đại hóa nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các địa phương cần phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo có thể đón được các dự án công nghệ cao từ các nước phát triển vào Việt Nam.
Về chính sách, cũng cần có sự cải thiện hơn nữa để nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam đồng thời đẩy mạnh tính liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt, từ đó gia tăng giá trị cũng như hiệu quả của nhà đầu tư tại Việt Nam; đẩy mạnh việc thực thi các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, trong đó có các hiệp định như: Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)./.