Tại phiên khai mạc của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên Hợp Quốc (CSW) mới đây, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres nhấn mạnh, phụ nữ và trẻ em gái phải là trung tâm, người dẫn đường để tạo nên một tương lai bền vững cho tất cả mọi người trên thế giới.
Nạn nhân của các cuộc khủng hoảng đan xen
Ông António Guterres mô tả các cuộc khủng hoảng khí hậu và môi trường cùng với sự bùng nổ kinh tế và biến động xã hội đang diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là những vấn đề quyết định của thời đại, đồng thời nhắc nhở rằng việc cùng nhau ứng phó và cần thiết vạch ra lộ trình trong nhiều thập kỷ tới.
Người đứng đầu LHQ cho hay, các trường hợp khẩn cấp chưa từng có về khủng hoảng khí hậu, ô nhiễm, sa mạc hóa và mất đa dạng sinh học, cùng với đại dịch Covid-19 và tác động của các cuộc xung đột mới đang diễn ra đã đẩy nhanh và phát triển thành các cuộc khủng hoảng lan rộng và liên kết với nhau, ảnh hưởng đến tất cả mọi người.
Theo ông, ở khắp mọi nơi, phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với những mối đe dọa lớn nhất và tổn hại nghiêm trọng nhất. Đáng chú ý, mặc dù họ đang hành động để đối mặt với các cuộc khủng hoảng về khí hậu và môi trường, nhưng họ vẫn không được tham gia vào việc đưa ra quyết định.
Bà Hawa Games Dahab Gabjenda, với tư cách là một chuyên gia về giới có nhiều kinh nghiệm đã làm việc liên quan đến các sáng kiến trao quyền, phát triển, nhân đạo và xây dựng hòa bình cho phụ nữ
Chủ tịch Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên Hợp Quốc, Mathu Joyini đã gọi phụ nữ trẻ là “động lực của sự thay đổi đối với hành động và nhận thức về khí hậu”. Theo bà, chúng ta cần đảm bảo rằng vai trò lãnh đạo và những đóng góp có ý nghĩa của phụ nữ trẻ trong các lĩnh vực này được đưa vào các quá trình ra quyết định.
Theo ông Guterres, hầu hết phụ nữ và trẻ em gái sống ở các đảo quốc nhỏ, các quốc gia kém phát triển nhất và những nơi bị tác động bởi xung đột đều bị ảnh hưởng. Chế độ dinh dưỡng và sinh kế của họ chịu ảnh hưởng một phần do thời tiết khắc nghiệt, nhưng họ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi tài nguyên thiên nhiên địa phương bị đe dọa.
Ngoài ra, với những cú sốc về khí hậu ngày càng gia tăng, có bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa nạn tảo hôn và bóc lột. Ông Guterres cho biết, khi các thảm họa khí hậu xảy ra với tần suất ngày càng cao, phụ nữ và trẻ em có nguy cơ tử vong cao gấp 14 lần so với nam giới.
Thiên niên kỷ của chế độ phụ hệ
Ông Guterres cảnh báo về sự gia tăng bạo lực và các mối đe dọa đối với những người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động môi trường là phụ nữ. Ông giải thích: “Phân biệt đối xử về giới biểu hiện ở chỗ chỉ một tỷ lệ rất nhỏ những người sở hữu đất và lãnh đạo là phụ nữ, nhu cầu và lợi ích của họ thường bị bỏ qua và gạt sang một bên trong các chính sách và quyết định về sử dụng đất, ô nhiễm, bảo tồn và hành động khí hậu”.
Ông cho rằng chỉ 1/3 vai trò ra quyết định theo Công ước khung về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris là do phụ nữ đảm nhiệm và chỉ 15% các bộ trưởng môi trường là phụ nữ.
Hơn nữa, chỉ 1/3 trong số 192 khung năng lượng quốc gia bao gồm các cân nhắc về giới và tài chính khí hậu hiếm khi xem xét vấn đề về giới. Điều này một lần nữa chứng tỏ chúng ta đang sống trong một thế giới nam quyền với nền văn hóa nam giới thống trị. Đó là một thiên niên kỷ của chế độ phụ hệ loại trừ phụ nữ và ngăn cản tiếng nói của họ.
“Chúng ta không thể thực hiện bất kỳ mục tiêu nào nếu không có sự đóng góp của tất cả, bao gồm nam giới và trẻ em trai, cũng như hành động vì quyền của phụ nữ và bình đẳng giới”, quan chức LHQ cho biết.
Thỏa thuận Paris giải quyết vấn đề mất đa dạng sinh học, suy thoái đất và ô nhiễm nhằm tạo ra cuộc sống ý nghĩa cho tất cả mọi người trên hành tinh xanh, sạch. Các nhà lãnh đạo là phụ nữ và trẻ em gái, nông dân, các nhà hoạch định chính sách, nhà kinh tế, luật sư và các nhà hoạt động khí hậu là những yếu tố cần thiết để xây dựng các nền kinh tế bền vững và xã hội phát triển trong tương lai. “Tuy vậy, chúng ta sẽ không đạt được điều đó nếu không có sự tham gia và lãnh đạo bình đẳng của phụ nữ”, ông Guterres nói.