Sau khi Ban Quản lý dự án 46 phá 15ha rừng đặc dụng (vườn Quốc gia Chư Yang Sin) làm đường Trường Sơn Đông, câu hỏi đặt ra là số gỗ từ chặt phá rừng đó đi về đâu?
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã gửi 2 văn bản ra trung ương, yêu cầu cơ quan chủ quản của Ban Quản lý dự án 46 vào làm việc với tỉnh để làm rõ vụ 15ha rừng đặc dụng bị tàn phá trái pháp luật trong quá trình thi công gói thầu D41 (Km618+00 – Km626+00) thuộc Dự án đường Trường Sơn Đông (đoạn đi qua Vườn Quốc gia Chư Yang Sin).
Không chỉ là làm việc về phá rừng mà quan trọng hơn là “hô biến” số gỗ được khai thác.
Diện tích rừng bị phá trái pháp luật trong quá trình xây dựng đoạn đường kể trên là 15,45ha tại khoảnh 9 tiểu khu 1383 và các khoảnh 1, 2, 5, 6 tiểu khu 1402.
Khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nhưng chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 46 đã triển khai thi công dự án. Và đây là hành động sai phạm làm cho rừng đặc dụng Đắk Lắk bị phá 100% diện tích hơn 15 ha.
Cứ cho là vì “sốt ruột” thực hiện dự án nên sai phạm quy định về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thì sau khi phá rừng làm đường, Ban Quản lý dự án 46 phải công khai, minh bạch số gỗ thu được.
Nhưng thật đáng tiếc, 100% số gỗ của hơn 15 ha rừng đặc dụng đã biến mất.
Vậy thì thật khó để giải thích cho sự “trong sáng” của những người thực hiện dự án, là vì cái chung, vì công trình quốc gia mà phải phá rừng. Chỉ khi giữ lại không mất một lóng cây thì đó mới thực sự là sai phạm nhưng vô tư, không phải cố tình phá rừng để bán gỗ bỏ túi riêng.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk xác nhận với phóng viên Lao Động cơ quan Công an đang vào cuộc điều tra, làm rõ về số gỗ thất thoát khi Ban Quản lý dự án 46 phá rừng quốc gia làm đường. Hy vọng là tìm ra được manh mối, chẳng lẽ cả rừng cây biến thành tro hay bay hơi.
Cũng có điều rất khó hiểu từ vụ này, đó là Ban Quản lý dự án 46 phá hơn 15 ha rừng đặc dụng, phải huy động xe cơ giới, máy móc, nhân công phá trong nhiều ngày, nhưng chẳng lẽ Chi cục Kiểm lâm và chính quyền địa phương không hay không biết.
Và nếu biết thì sao không ngăn chặn ngay từ đầu?