Việt Nam đã và đang hoàn thiện khung pháp lý xử lý tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD). Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức cản trở việc thực thi pháp luật về vấn đề này, trong đó có cả những vướng mắc, bất cập trong quy định về quản lý, bảo vệ ĐVHD.
Những bước tiến mới
Theo Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, Việt Nam là điểm đến chính của các giao dịch bất hợp pháp về ĐVHD và là điểm trung chuyển ĐVHD bất hợp pháp đến Trung Quốc.
Số liệu từ Cơ quan Điều tra môi trường quốc tế (EIA) cho thấy, từ năm 2004 đến tháng 4-2019, Việt Nam có hơn 600 vụ bắt giữ liên quan đến buôn bán ĐVHD bất hợp pháp với tổng số lượng hàng cấm bao gồm ít nhất hơn 105 tấn ngà voi, tương đương khoảng 15.779 cá thể voi; 1,69 tấn sừng tê giác; da, xương và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ ít nhất 228 cá thể hổ; cơ thể và vảy của 65.510 cá thể tê tê. Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam, có tới 18.316 vụ vi phạm về ĐVHD trong giai đoạn 2005-2020, trong số này, có 2.188 vụ vận chuyển, buôn bán ĐVHD quy mô lớn.
Nhận thức được sự nghiêm trọng của tội phạm liên quan đến ĐVHD, từ những năm 1990 đến nay, Việt Nam đã đầu tư nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống các vi phạm liên quan đến ĐVHD. Năm 1994, Việt Nam ký kết và trở thành thành viên của Công ước về mua bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm (CITES). Nhiều công cụ pháp lý cũng liên tục được ban hành, sửa đổi, bổ sung nhằm nội luật hóa cam kết Công ước CITES và hoàn thiện khung pháp lý về xử lý vi phạm liên quan đến ĐVHD.
EIA đánh giá, Việt Nam đã có những bước tiến trong công tác xử lý tội phạm về ĐVHD, nổi bật là gia tăng đáng kể khung hình phạt. Bên cạnh việc tăng thêm điều luật quy định về tội vi phạm về bảo vệ ĐVHD và tội vi phạm bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 còn mở rộng nhiều đối tượng ĐVHD được bảo vệ. Đồng thời, tội phạm về ĐVHD được xem là “tội phạm nghiêm trọng” theo Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia với mức án tối đa lên đến 15 năm tù và mức phạt hành chính lên đến 2 tỷ đồng đối với các cá nhân và 15 tỷ đồng đối với các pháp nhân thương mại.
Sau khi Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực, trong giai đoạn 2018-2019, số lượng các vụ buôn lậu ĐVHD bị bắt đã tăng 44%. Bên cạnh đó, mức án tù giam trung bình đối với tội phạm về ĐVHD trong năm 2017 là 15 tháng, tăng lên 4 năm 6 tháng trong đầu năm 2020. Việt Nam cũng đã kết án các ông trùm buôn bán ĐVHD và lần đầu tiên xét xử vụ án liên quan đến vảy tê tê châu Phi.
Vẫn còn nhiều thách thức
Mặc dù khung pháp lý được xây dựng ngày càng hoàn thiện và công tác thực thi cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, tội phạm về ĐVHD vẫn diễn biến phức tạp khiến công tác phòng, chống nhóm tội phạm này tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.
Ông Tăng Xuân Phương (Tổng cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Các cơ quan chức năng nói chung và lực lượng Kiểm lâm nói riêng đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống và xử lý các hành vi vi phạm về ĐVHD, tuy nhiên, một số vướng mắc, bất cập trong quy định về quản lý, bảo vệ ĐVHD đã cản trở ít nhiều nỗ lực thực thi này”.
Theo ông Phương, đối tượng vi phạm thường có phương tiện tốt, thiết bị liên lạc hiện đại, hoạt động theo đường dây, thậm chí hình thành tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, khi bị phát hiện sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng bằng mọi giá. Trong khi đó, các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế về cả phương tiện, trang thiết bị và nhân lực. Ngoài ra, khó khăn còn phát sinh trong trường hợp phát hiện, lập hồ sơ và xử lý vi phạm. Theo đó, cần tiến hành giám định, định giá ĐVHD theo quy định của pháp luật kết hợp việc nuôi, chăm sóc, bảo quản tang vật, trong khi lực lượng Kiểm lâm không được đào tạo về thú y, không có cơ sở chuồng trại nuôi, giữ ĐVHD; thủ tục giám định lại khá phức tạp.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Phạm Văn Beo (Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, một trong những thách thức trong việc xử lý tội phạm về ĐVHD đó là công tác giám định đối với các loài ĐVHD bị phát hiện, thu giữ trong các vụ vi phạm. Hầu hết các địa phương hiện đều không có giám định viên, trừ một số tỉnh có giám định tư pháp theo vụ việc. Bên cạnh đó, thủ tục tố tụng, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội liên quan đến ĐVHD thường phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian.
Tiến sĩ Phạm Văn Beo cho biết, đến nay, Việt Nam đã ban hành 37 văn bản pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ, xử lý các hành vi vi phạm về ĐVHD, trong đó, Bộ luật Hình sự được xem là căn cứ pháp lý và cơ sở vững chắc để xử lý, ngăn ngừa tội phạm về ĐVHD. |
Khi phát hiện vi phạm, các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm về điều kiện nuôi nhốt ĐVHD, bảo quản tang vật, chuyên chở động vật đi giám định, lo cứu hộ, chăm sóc, tái thả động vật về tự nhiên… Quá trình bảo quản tang vật gặp không ít khó khăn do tang vật chủ yếu là động vật còn sống, thường bị bệnh tật, ốm yếu do bị bẫy bắt hoặc nuôi nhốt lâu ngày, cần chế độ chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, điều kiện lưu giữ của các cơ quan thực thi pháp luật không đảm bảo, chưa kể việc lưu giữ lâu dài có thể khiến các cá thể bị chết trước khi vụ án được đưa ra xét xử.
Thực tế trên cho thấy, để phòng, chống tội phạm về ĐVHD một cách hiệu quả, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, các cơ quan chức năng như BĐBP, Hải quan, Kiểm lâm, Công an cần tích cực trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tăng cường biên chế, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện cho cơ quan thực thi pháp luật, bao gồm lực lượng Kiểm lâm để có thể ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các vi phạm về ĐVHD.