Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát dự án đầu tư có liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp để hướng dẫn chủ dự án thực hiện thủ tục về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định. Đồng thời, triển khai trồng rừng thay thế để đảm bảo độ che phủ rừng.
Theo Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, với diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên 615.530 ha, chiếm 76,9% diện tích đất tự nhiên. Quảng Bình là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng đứng thứ 2 cả nước (đạt tỷ lệ gần 68%), tuy nhiên, do nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội thì diện tích đất đã quy hoạch cho lâm nghiệp cũng là không gian để xác lập quỹ đất xây dựng các dự án trên địa bàn.
Năm 2022, tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn để thực hiện 6 công trình, dự án, với tổng diện tích rừng được chuyển mục đích sử dụng là 80.339,3m2.
Bên cạnh với việc quản lý chặt chẽ và thực hiện tuân thủ các quy định của pháp luật về chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác thì việc triển khai đảm bảo khối lượng, chất lượng trồng rừng thay thế là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng để đảm bảo độ che phủ.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường công tác rà soát dự án đầu có liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp. Kiểm tra đối với dự án thực hiện trên diện tích có rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn quản lý; kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý những trường hợp tác động rừng khi chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định.
Giám sát đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng của các dự án đã hoàn thành thủ tục, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất rừng ngoài phạm vi cho phép.
Các đơn vị chủ rừng có trách nhiệm thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ đối với toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra đối với dự án thực hiện trên diện tích rừng, đất lâm nghiệp trên địa phận quản lý của đơn vị. Không để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, tự ý san lấp mặt bằng diện tích có rừng khi chưa có quyết định phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng của cấp có thẩm quyền. Kiên quyết xử lý những trường hợp tác động rừng khi chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định.
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đảm bảo việc giao rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng thống nhất, đồng bộ với giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.
Trao đổi với PV, ông Mai Văn Minh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, cho biết: “Hàng năm Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền các cấp nâng cao công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững. Để đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường, duy trì cảnh quan, nâng cao khả năng phòng hộ ứng phó với biến đổi khí hậu. Còn đối vối các dự án phát triển kinh tế xã hội có liên quan đến đất rừng mà Dự án đã được phế duyệt có đề xuất thì sẽ thực hiện các thủ tục để chuyển đổi đất rừng theo thẩm quyền và đúng với quy định”.
Theo ông Mai Văn Minh, đối với các dự án đã chuyển đổi mục đích sử dụng nếu chủ dự án có đất rừng thì phải trồng lại đúng diện tích đã chuyển đổi. Trong trường hợp không có đất thì sẽ thực hiện nộp tiền vào Quỹ bảo vệ phát triển rừng của tỉnh, sau đó hàng năm UBND tỉnh sẽ ra soát lại các diện tích cần trồng để thực hiện.
“Những năm vừa qua, diện tích đất rừng thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác thì tỉnh đã thực hiện cho trồng hết 100%, thậm chí còn trồng vượt diện tích đã chuyển đổi. Cũng nhờ làm tốt công tác này nên tỷ lệ che phủ rừng luôn đảm bảo và có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, có một nghịch lý là những tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao thì đều là những tỉnh khó khăn về kinh tế vì đất rừng mình giữ hết, không được chuyển đổi để làm kinh tế được. Hướng để phát triển ngành lâm nghiệp tập trung theo hướng tham gia các dự án bán tín chỉ carbon, nếu tham gia được thì hàng năm có thể thu về hàng nghìn tỷ đồng để duy trì, bảo vệ và phát triển rừng”, ông Mai Văn Minh cho hay.