Trong quá trình khai thác nước dưới đất đã nảy sinh nhiều nguy cơ tác động xấu tới nguồn tài nguyên này. Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đề nghị các tỉnh khẩn trương phê duyệt danh mục “vùng hạn chế khai thác nước dưới đất” để bảo vệ nguồn nước tốt hơn.
Các tỉnh cần khẩn trương phê duyệt danh mục “vùng hạn chế khai thác nước dưới đất”
Trước thực trạng môt số địa phương đã và đang áp dụng biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất chưa phù hợp với thực tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gấp rút triển khai việc khoanh định, công bố danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.
Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã quy định mọi tổ chức, cá nhân có quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước để phục vụ cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, các mục đích khác và được nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Trên cơ sở đó, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã chú trọng công tác cải cách hành chính về công tác cấp phép, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận, khai thác nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất đồng thời cũng đã chú trọng đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực tế tại môt số địa phương hiện vẫn đang áp dụng biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất chưa phù hợp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố hiện vẫn chưa triển khai việc khoanh định, công bố danh mục “vùng hạn chế khai thác nước dưới đất” theo quy định của Nghị định số 167/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các tỉnh, thành phố chưa phê duyệt danh mục “vùng hạn chế khai thác nước dưới đất” cần khẩn trương tổ chức triển khai việc khoanh định, công bố danh mục vùng này đồng thời xây dựng, phê duyệt phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh để làm căn cứ triển khai công tác bảo vệ tài nguyên nước.
Đối với các tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị sớm tổ chức xây dựng, phê duyệt phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định của Nghị định số 167/2018/NĐ-CP; trong đó cần đảm bảo áp dụng đúng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất đối với từng khu vực, từng vùng hạn chế và từng công trình.
Với các công trình khai thác nước dưới đất đã được cấp giấy phép thì chỉ áp dụng biện pháp hạn chế khai thác là “dừng khai thác và thực hiện xử lý, trám lấp giếng” hoặc “không gia hạn giấy phép” nếu công trình thuộc vùng hạn chế 1 (khu vực xảy ra sụt lún đất, nhiễm mặn, ô nhiễm hoặc khu vực liền kề khu vực xảy ra sự cố).
Trường hợp công trình không nằm trong vùng hạn chế khai thác nước dưới đất thì vẫn được xem xét cấp mới, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép nếu đủ điều kiện theo quy định của Luật tài nguyên nước năm 2012 và Nghị định số 201/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước.
Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất
Nghị định 167/2018/NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất ở các vùng chứa nước ngọt thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực từ ngày 10/02/2019.
Theo Nghị định, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất (vùng hạn chế) được phân loại bao gồm các vùng: Vùng hạn chế 1; Vùng hạn chế 2; Vùng hạn chế 3; Vùng hạn chế 4; Vùng hạn chế hỗn hợp.
Biện pháp hạn chế khai thác đối với 5 khu vực trên là dừng toàn bộ mọi hoạt động khai thác nước dưới đất hiện có (nếu có) và thực hiện xử lý, trám lấp giếng theo quy định. Trường hợp công trình không có giấy phép, bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật còn phải dừng hoạt động khai thác và thực hiện việc xử lý, trám lấp giếng.
Biện pháp hạn chế khai thác trong Vùng hạn chế 2, 3 là không cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới.
Trên cơ sở kết quả khoanh định vùng hạn chế quy định tại khoản 2 Điều 8 của Nghị định này, trường hợp khu dân cư, khu công nghiệp tập trung không thuộc Vùng hạn chế 3 mà cách sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa (nguồn nước mặt) không vượt quá 1.000 m và nguồn nước mặt đó đáp ứng đủ các điều kiện sau đây, thì được khoanh định vào Vùng hạn chế 4: Có chức năng cấp nước sinh hoạt hoặc được quy hoạch để cấp nước sinh hoạt; có chế độ dòng chảy ổn định, dòng chảy tối thiểu từ 10 m3/s trở lên đối với sông, suối, kênh, rạch hoặc tổng dung tích từ 10 triệu m3 trở lên đối với hồ chứa; có chất lượng nước đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt cột A1 trở lên.
Để hạn chế khai thác trong Vùng hạn chế 4, Nhà nước không cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới có quy mô khai thác từ 10.000 m3/ngày trở lên, trừ trường hợp công trình khai thác để cấp nước cho các mục đích sử dụng theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 3 của Nghị định này.
Trên cơ sở tổng hợp kết quả khoanh định các vùng, khu vực hạn chế theo quy định tại Vùng hạn chế 1, 2, 3, 4, trường hợp có các khu vực hạn chế bị chồng lấn nhau, thì phần diện tích chồng lấn được khoanh định vào Vùng hạn chế hỗn hợp.
Việc áp dụng các biện pháp hạn chế đối với Vùng hạn chế hỗn hợp được quyết định trên cơ sở các biện pháp hạn chế khai thác tương ứng với từng vùng quy định tại Vùng hạn chế 1, 2, 3, 4 theo thứ tự quy định.
Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, trong năm 2022, Cục sẽ tập trung tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên nước, trọng tâm là tập trung rà soát, sửa đổi Luật Tài nguyên nước 2012 theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, đảm bảo đáp ứng và giải quyết được các bức xúc, yêu cầu từ thực tiễn.
Cùng với đó, tập trung thực hiện kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025. Hoàn thành và vận hành hệ thống theo dõi, giám sát việc khai thác sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi toàn quốc. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tổng thể về an ninh tài nguyên nước, đề xuất các giải pháp trữ nước thông qua các giải pháp phi công trình. Tổ chức triển khai có hiệu quả các cơ chế điều phối, giám sát liên ngành trong quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước lưu vực sông. |