Các nhà đàm phán của gần 200 quốc gia đã quy tụ tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ) hôm 14-3 để tham gia các cuộc thảo luận Công ước của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (CBD). Đây là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên sau hai năm bị đình trệ do đại dịch Covid-19, dự kiến kéo dài đến hết ngày 29-3 với mục đích nhằm đạt được một thỏa thuận quy mô toàn cầu để nâng cao trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên trên toàn thế giới.
Sự kiện do Liên hợp quốc bảo trợ này sẽ tạo tiền đề cho Hội nghị các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học lần thứ 15 (COP15) dự kiến tổ chức ở Côn Minh (Trung Quốc) vào tháng 5 tới đây. Thư ký điều hành của CBD Elizabeth Maruma Mrema nhận định, đại dịch Covid-19 đã chứng minh đa dạng sinh học không chỉ quan trọng đối với con người, mà còn đối với việc gìn giữ trái đất. Đặc biệt, do sự mở rộng của người dân đến các khu vực nông thôn, việc phá hủy môi trường sống, như nạn phá rừng, ngày càng đáng báo động.
Các chuyên gia xác định có nhiều nguyên nhân gây mất đa dạng sinh học, gồm: Thay đổi cách xử lý đất và biển, biến đổi khí hậu, các hoạt động như nông nghiệp không bền vững, ô nhiễm và sự xâm lấn của các loài ngoại lai trong môi trường sống mới. Ngoài ra, sản xuất và tiêu dùng không bền vững cũng là những yếu tố làm mất đa dạng sinh học.
Thực tế, những nỗ lực bảo vệ thế giới tự nhiên vẫn chưa đạt được nhiều thành tựu. Sự mất mát của các hệ sinh thái quan trọng đã tăng nhanh ngay cả khi các chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức môi trường đang tìm kiếm những cách hiệu quả để bảo vệ, khôi phục đất và biển của trái đất. Trước sự chậm trễ này, các nhà khoa học cho biết, cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt sự sống trên trái đất đang tăng tốc.
Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, một triệu loài động, thực vật có thể biến mất, trong khi sinh khối của các loài động vật có vú hoang dã đã giảm 82% và các hệ sinh thái tự nhiên bị mất khoảng một nửa diện tích. Trong đại dịch, việc tàn phá rừng trên thế giới tăng mạnh. Mức độ nguy hiểm của khí nhà kính tiếp tục tích tụ trong bầu khí quyển của trái đất. Tuy nhiên, các chính phủ trên thế giới đã bỏ lỡ mọi mục tiêu mà họ đặt ra nhằm ngăn chặn sự hủy diệt của thế giới tự nhiên. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng việc bảo vệ thiên nhiên có thể ngăn chặn thiệt hại kinh tế toàn cầu lên tới 2,7 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Trong bối cảnh này, Công ước của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học là hiệp định quốc tế quan trọng bảo vệ đa dạng sinh học toàn cầu. Năm 2010, các mục tiêu đa dạng sinh học toàn cầu đã được thống nhất, được gọi là Mục tiêu Aichi, yêu cầu hành động khẩn cấp, hiệu quả đến năm 2020 để ngăn chặn tổn thất đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái, bảo đảm cuộc sống phong phú của loài người. Tuy nhiên, Mục tiêu Aichi đã hết hạn vào năm 2020 mà không đạt được bất kỳ hiệu quả nào. Do đó, tại một trong những điểm trọng tâm của các cuộc thảo luận đang diễn ra ở Geneva là việc Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia thực hiện các cơ chế bảo tồn ít nhất 30% lãnh thổ của họ vào năm 2030 (kế hoạch này được gọi là “30 đến 30”). Các mục tiêu cũng có thể được đặt ra nhằm loại bỏ các khoản trợ cấp nông nghiệp, đánh bắt cá, khai thác gỗ có hại, và sử dụng lại số tiền đó để mang lại lợi ích cho thiên nhiên.
Gần 200 quốc gia dự kiến sẽ hoàn tất một thỏa thuận mới nhằm ngăn chặn và giảm thiểu những thiệt hại về thực vật, động vật và hệ sinh thái trên hành tinh tại COP15. Hội nghị thượng đỉnh này kỳ vọng sẽ đặt ra các mục tiêu ngắn hạn đến năm 2030 và dài hạn đến giữa thế kỷ XXI, đồng thời thúc đẩy để các mục tiêu đó được đưa vào các chính sách quốc gia.