Chiều 16/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành phần chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đăng đàn trả lời các câu hỏi Đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, nổi bật là trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường.
Có chế tài mạnh mẽ hơn với doanh nghiệp bỏ cọc
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nêu vấn đề, dư luận, cử tri nêu việc đấu giá đất tại nhiều nơi có hiện tượng bắt tay ngầm, có nhiều trường hợp nhà đầu tư trả giá trên trời rồi âm thầm bỏ cọc. Kết quả phiên đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm, điển hình như cuộc đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa qua. Điều đó làm nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao, tạo ra hiện tượng sốt đất ảo, thiết lập mặt bằng giá đất mới khiến quá trình giải phóng mặt bằng, triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, gây mất trật tự an ninh xã hội. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp thế nào để khắc phục tình trạng nêu trên trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc đấu giá đất trong thời gian qua nổi lên không chỉ có vấn đề thổi giá, mà còn dìm giá, “quân xanh quân đỏ”. Đó là vấn đề rất bức xúc, nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, làm thất thoát tài sản nhà nước. Việc thổi giá lên cao cũng tạo ra một mặt bằng giá mới, gây nhiều hệ lụy, đặc biệt là đối với các ngân hàng khi các mức giá đó không thực gây mất an ninh tiền tệ.
Khẳng định đã nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra nguyên nhân. Đó là việc đấu giá đất đang được điều chỉnh bởi Luật Đấu giá, Luật Đất đai, các quy định về thuế, tài chính. Vì có nhiều luật điều chỉnh nên về quy trình, trình tự, phương thức đấu giá đất còn bất cập. Giá trị tài nguyên như đất đai không giống với các vật thể giá trị khác. Vì vậy, phải có quy định về phương thức, trình tự đấu giá với tài sản đất đai chặt chẽ hơn.
Bộ trưởng cũng cho rằng, đã có quy định về điều kiện doanh nghiệp tham gia đấu giá đất, nhưng chưa cụ thể về điều kiện năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm thực tiễn. “Phải có chế tài mạnh mẽ hơn, nếu doanh nghiệp sau khi đấu giá rồi bỏ cọc thì phải xử lý, để lần sau họ không tham gia được, như vậy mới đủ sức răn đe”, Bộ trưởng nói và đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý cơ quan công quyền và doanh nghiệp lợi dụng vấn đề đấu giá.
Ngoài ra, chế tài xử lý cần mạnh hơn, cả hình sự, kinh tế để đủ tính răn đe. “Tôi cho rằng, chế tài kinh tế quan trọng, phải nâng lên đủ để cho họ phân tích rằng nếu bỏ cọc thì không có hiệu quả kinh tế”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. Ngoài ra, thời gian thẩm định hồ sơ đấu giá chỉ 15 ngày là không được. Cần đi trước bước đấu giá là thẩm định và làm căn cơ, tức là thẩm định thông qua hồ sơ ngân hàng, hồ sơ đất đai, lý lịch nhà tham gia đấu giá… Thời gian thẩm định hồ sơ đấu giá đất là 15 ngày tương tự với đấu giá một vật dụng quý là không phù hợp.
Rút ngắn thời gian trả tiền sau kết quả đấu giá
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu giải pháp xử lý dứt điểm việc phát triển đô thị không theo quy hoạch, làm ảnh hưởng đến kết nối hạ tầng và an ninh trật tự. Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) tranh luận về đấu giá ở khu đô thị Thủ Thiêm. Ông muốn Bộ trưởng làm rõ hơn quá trình điều tra, giám sát liên quan dự án này. “Có hiện tượng thổi giá để nâng giá trị cổ phiếu, đánh võng giá trị tài sản để vay ngân hàng không? Thực trạng sốt đất hiện nay là sốt ảo hay thật, và vi phạm thì có xử lý hình sự không?”, Đại biểu Tạ Văn Hạ chất vấn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm, Chính phủ đang giao cơ quan có trách nhiệm điều tra. Phương án mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra là người đấu giá xong phải trả tiền ngay trong 10 ngày, thay vì 90 ngày như trước đây, để cá nhân, tổ chức đấu giá thắng không đủ thời gian trục lợi. Tiền đặt trước, đặt cọc hiện chỉ 5-10%, Bộ cũng sẽ xem xét tăng lên, đơn vị đấu giá phải chứng minh tài chính thông qua thẩm định của cơ quan có trách nhiệm…
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) chất vấn thực trạng đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua cho thấy, có sự đầu cơ, găm hàng, trục lợi, dẫn đến sau đấu giá có nhiều khu đất bỏ hoang; đấu giá xong bỏ cọc. Cử tri cho rằng, cần xác định giá khởi điểm đấu giá đất và quy định chặt chẽ hơn về năng lực tài chính của người tham gia; chế tài mạnh mẽ với người đấu giá xong đất thì bỏ. Bộ có giải pháp như thế nào?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời, nếu nói về chính sách thì cần ngồi lại nghiên cứu, làm thế nào để quy định điều kiện, có thêm chế tài, tiền đặt cọc đúng, bổ sung thời gian thẩm tra, kiểm tra doanh nghiệp tiền có thật hay không… Vấn đề liên quan đến đấu giá, dìm giá, tạo ra thế lực ngầm trong đấu giá đất thì cần có các lực lượng tham gia, trong đó, có công an điều tra làm rõ.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực các tổ chức đấu giá. Quan trọng hơn là hoàn thiện phương pháp định giá, đấu giá. “Đất đai là tài nguyên đặc biệt, nhưng lại được quy định bởi 4 – 5 luật thì sẽ theo luật nào? Vấn đề quan trọng như đất đai phải có quy định đồng bộ trong một bộ luật, bởi đất đai là kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Xử lý nghiêm hành vi gây lũng loạn thị trường đất đai
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắc Lắk) tranh luận, muốn Bộ trưởng giải thích thêm về việc trốn thuế trong giao dịch đất đai. Đồng thời, Đại biểu cũng băn khoăn với ý kiến của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường khi cho rằng không cần hình sự hóa hành vi gây lũng loạn thị trường.
Theo Đại biểu, hành vi này cần xử lý nghiêm, cần hình sự hóa hình vi này để đảm bảo tính răn đe. Nhắc tới vụ việc bỏ cọc của Công ty Tân Hoàng Minh với lô đất tại Thủ Thiêm, Đại biểu cho rằng, số tiền nhà đầu tư bỏ cọc không đáng gì với việc tăng đẩy giá đất khu vực xung quanh. “Số tiền Nhà nước đang bị thiệt hại thế nào khi doanh nghiệp bỏ cọc và chỉ bị phạt số tiền hơn 500 triệu đồng?”, Đại biểu chất vấn.
Trả lời sau đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh lại quan điểm là cần xử lý nghiêm hành vi liên quan tới gây lũng loạn thị trường đất đai. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp chính sách đưa ra để thị trường vận hành hiệu quả, công cụ hành chính, kể cả hình sự lại chưa hợp lý. Trong vụ việc bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm cần điều tra, nếu có hành vi rõ mới có thể hình sự hóa.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, qua các vụ đấu giá đất bất thường, có ý kiến cho rằng pháp luật về đấu giá còn phức tạp, còn nhiều quy định khác nhau, nhiều cơ quan tham gia nên chưa rõ trách nhiệm. Đề nghị Bộ cho biết giải pháp và quan điểm?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời, ông đã phân tích nguyên nhân ở trên. Vì vậy, câu chuyện sắp tới làm thế nào để không xảy ra tình trạng đấu giá đúng thủ tục, nhưng kết quả lại sai, làm ảnh hưởng nhiều bên. Vấn đề này phải xử lý bằng công nghệ, quy trình, đấu giá trực tiếp hay gián tiếp; bổ sung chế tài xử phạt. “Nên đánh mạnh vào kinh tế và tài chính, để hạn chế tình trạng bất thường trong đấu giá”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.