Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng việc xem xét điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường nhằm giảm giá xăng dầu có nhiều bất hợp lý.
“Bộ trưởng nhiều lần nhắc giải pháp giảm thuế bảo vệ môi trường. Cá nhân tôi cho rằng việc xem xét điều chỉnh giảm thuế trong hoàn cảnh hiện nay là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng trước áp lực giá cả. Tuy nhiên giảm sắc thuế nào là điều cần tính toán lại”- ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nói tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương sáng 16-3.
Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: Nghịch lý
Bà Mai cho rằng nếu giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) sẽ có ba điểm bất hợp lý.
Thứ nhất, không phù hợp với bản chất thuế BVMT vì thuế này đánh vào các mặt hàng gây ô nhiễm, mức thuế được xây dựng trên mức độ gây ô nhiễm. Nếu giảm thuế BVMT sẽ có thể dẫn đến nghịch lý là có những đối tượng có thể gây ô nhiễm môi trường cao lại chịu mức thuế thấp và ngược lại.
Thứ hai, đối với xăng dầu đã mua dự trữ bắt buộc theo quy định, đã phải chịu mức thuế bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành là 4.000 đồng/lít, khi bán ra sau thời điểm giảm thuế chắc chắn phải chịu lỗ, điều này chưa phù hợp với nguyên tắc điều hành giá là bảo đảm lợi ích của các bên. Nếu lựa chọn sắc thuế khác thì không phát sinh nghịch lý này.
Thứ ba, theo kinh nghiệm quốc tế, với các quốc gia sử dụng công cụ thuế để điều tiết, bình ổn giá cả đều lựa chọn các sắc thuế khác như VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu.
“Việc lựa chọn giảm sắc thuế nào, mong Bộ Công Thương phối hợp với Tài chính đưa ra giải pháp hợp lý”- bà Mai nói.
Trả lời, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết ông đồng tình với ĐB Mai, công cụ điều hành giá, nhất là giá xăng dầu phải sử dụng đến quỹ bình ổn và thuế.
“Chọn sắc thuế nào, chúng tôi rất cân nhắc, đã bàn trong ngành và báo cáo Chính phủ. Chúng tôi thấy rằng tình hình rất căng khi biến động giá thế giới như thế. Để xử lý được nhanh nhất tình huống bây giờ chỉ có giảm thuế bảo vệ môi trường, đây là thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”- ông Diên nói.
Đặc biệt, Bộ trưởng cho rằng: “Thuế bảo vệ môi trường đang đặt ra mức 4.000 đồng, thú thực, tôi nghĩ rằng cũng chưa phải có cơ sở gì đó thực sự khoa học để bảo rằng phải là 4.000 chứ không phải là 5.000 hay 3.000, 2.000. Trong lúc khó này thì thôi ta bảo nhau giải quyết thế nào thì giải quyết, cứ có cơ chế để giảm giá, để cứu được kinh tế, hỗ trợ được người dân là tốt rồi. Tôi phải nói thực là như thế”.
Theo ông Diên, trong tương lai có thể “nghĩ cách gì đó cho phù hợp”. “Chúng ta nói kinh tế theo cơ chế thị trường nhưng chưa phải là thị trường đầy đủ. Với mặt hàng này (xăng dầu) phải có sự quản lý của nhà nước. Điều này buộc chúng ta phải có những suy nghĩ là hành động tất cả cũng vì người dân thôi, cũng chẳng phải mang lại cái gì cho bộ nọ, bộ kia mà chúng ta giải quyết bài toàn trước mắt”- vẫn lời ông Diên.
Bộ trưởng Công Thương cho rằng để Quốc hội thông qua chủ trương giảm thuế phải là tháng 5, để nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực phải tháng 6, tháng 7. “Thực sự là gay khi quỹ bình ổn không còn, thuế không được giảm thì làm sao giảm giá. Giá thế giới tăng chúng ta làm sao khác được”- ông Diên nói tiếp.
Chưa hài lòng với câu trả lời này, ĐB Vũ Thị Lưu Mai bấm nút xin tranh luận. Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị ĐB Mai gửi câu hỏi để Bộ trưởng trả lời bằng văn bản, do còn nhiều vấn đề cần chất vấn khác.
Bán đấu giá 100 triệu lít xăng dự trữ không phải để tăng nguồn cung
Phát biểu sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết quốc gia có dự giữ quốc gia về xăng dầu. Theo Nghị định 83/2014 trước đây và giờ là Nghị định 95/2021, lúc nào các đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng phải có “dữ trự lưu thông ít nhất 20 ngày”.
Ông Huệ nhắc việc một số ĐB chất vấn, đề nghị Bộ Công Thương làm rõ khi kiểm tra, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có dự trữ lưu thông đúng quy định của pháp luật không. Nhất là khi những đầu mối này vừa làm dự trữ lưu thông, vừa làm dự trữ quốc gia, mà làm dự trữ quốc gia còn được hưởng ngân sách nhà nước về bảo quản.
“Các thương nhân đầu mối này có lẫn lộn dự trữ quốc gia với dự trữ lưu thông của doanh nghiệp hay không? Anh không thể nói 1, 2 ngày mất nguồn cung mà không có xăng bán được. Đơn vị đó dự trữ lưu thông trong chu kỳ 20 ngày theo quy định pháp luật thế nào? Các đại biểu muốn hỏi thế, cá nhân tôi cũng muốn như vậy, Bộ trưởng giải thích rõ hơn”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ông Huệ cũng đề nghị Bộ trưởng Công Thương cho biết thông tin liên quan đến chủ trương đấu giá 100 triệu lít xăng dự trữ quốc gia. “Phương án nào để bù dự trữ này. Quỹ bình ổn giá chỉ vấn đến giá thôi, quan trọng nhất là nguồn cung, không để mất cân đối về nguồn cung xăng dầu để bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh kinh tế”- Chủ tịch Quốc hội nói.
Về việc này, Bộ trưởng Công Thương cho biết hiện có đủ lượng dự trữ quốc gia 5-7 ngày, với lượng tiêu thụ mỗi tháng từ 1,8- 1,9 triệu m3. Hiện quốc gia chưa có hệ thống kho dự trữ riêng mà giao việc dự trữ này cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu mối.
“Đây là cơ chế rõ ràng chúng tôi thấy bất hợp lý. Chúng tôi đã và đang có lộ trình để trình cấp có thẩm quyền xem xét thiết kế lại mô hình quản lý quỹ dự trữ này, đồng thời xem xét có thể đề xuất mức dự trữ cao hơn nữa để như Chủ tịch nói khi bất trắc có thể được một vài tháng.
Chúng tôi rất đồng tình với gợi ý của Chủ tịch Quốc hội. Nhờ ý kiến của Chủ tịch, chắc chắn đề xuất sau này của Bộ Công Thương sẽ được xem xét thuận lợi hơn”- Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Công Thương, việc các doanh nghiệp đầu mối có thực hiện dự trữ bắt buộc của mình hay không trong khi cũng là xăng dầu ấy, cũng để ở kho ấy thì đây thực sự là một “ẩn số”. Ông cho rằng nếu sớm có cơ chế tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp phân phối thì chắc chắn sẽ tốt.
“Chúng tôi xin được tiếp thu và sẵn sàng đề xuất để làm sao có cơ chế tách bạch dự trữ quốc gia bằng các tổng kho do nhà nước quản lý với dự trữ của doanh nghiệp bằng các kho do doanh nghiệp quản lý. Khi đó việc kiểm tra, kiểm soát việc vận hành của chúng ta mới tốt. Đúng như các ĐB nói, trong hoàn cảnh thế giới thế này, chúng ta cần nghĩ tới việc dự trữ nhiều hơn bằng sản phẩm thì lúc khó mới có mà dùng”- ông Diên nói.
Liên quan đến việc bán đấu giá 100 triệu lít Ron 92 dự trữ quốc gia, Bộ Công Thương được giao chức năng tham mưu thực hiện việc này, đây thực chất là việc chuyển đổi chủng loại hàng dự trữ từ xăng Ron 92 sang Ron 95 (loại xăng thông dụng trong sử dụng).
“Việc bán đấu giá này không liên quan đến việc hỗ trợ nguồn cung cho thị trường như một số thông tin đã nêu. Chưa bao giờ tính lượng Ron 92 này có thể thay nguồn cung cho thị trường, cũng không cần phải sử dụng cái này.
Hơn nữa, dự trữ quốc gia không phải để hiện mục tiêu trong những tình huống thế này. Thông tin nào nói bán ra để tăng thêm nguồn cung là không đúng”- ông Diên nói và khẳng định đây là việc làm bình thường, cũng giống như dự trữ lương thực, đến kỳ phải đảo.
“Trong tình huống này, Ron 02 không còn thông dụng nữa thì phải đổi thành loại xăng thông dụng hơn. Sau khi đấu giá thành công lại phải tiếp tục mua vào mà sản phẩm mua vào là Ron 95 để đáp ứng yêu cầu”- ông Diên nói và cho biết Bộ Công Thương cũng chỉ được giao đề xuất trình tự, còn việc thực hiện quy trình này là các bộ, ngành chức năng.