Ngày càng nhiều người tử vong trong các đợt sóng nhiệt, ô nhiễm không khí và nạn đói do tình trạng ấm lên toàn cầu. Các nhà đầu tư đã lên kế hoạch Tiêu chuẩn Toàn cầu về vận động hành lang khí hậu có trách nhiệm, hối thúc các công ty cam kết này.
Kế hoạch hành động của nhà đầu tư buộc doanh nghiệp bảo vệ bầu khí quyển
Theo hãng tin Reuters của Anh, các nhà đầu tư đã gia tăng sức ép vận động hành lang khí hậu cho các doanh nghiệp, với việc đưa ra kế hoạch hành động mới 14 điểm buộc các công ty phải tuân thủ nhằm bảo vệ bầu khí quyển Trái Đất.
Kế hoạch, mang tên Tiêu chuẩn Toàn cầu về vận động hành lang khí hậu có trách nhiệm, hối thúc các công ty cam kết vận động hành lang khí hậu có trách nhiệm, đưa ra sự ủng hộ đối với các tổ chức thương mại thay mặt vận động hành lang và hành động nếu hoạt động của họ đi ngược lại mục tiêu khí hậu của thế giới.
Tiêu chuẩn Toàn cầu về vận động hành lang khí hậu đã nhận được sự ủng hộ của các nhóm đầu tư dẫn đầu trong các cuộc đàm phán khí hậu với các doanh nghiệp có tổng doanh thu 130.000 tỷ USD.
Quỹ hưu trí AP7 của Thụy Điển – một trong những đơn vị đưa ra tiêu chuẩn trên, khẳng định các nhà đầu tư không thể chấp nhận khoảng cách quá xa giữa cam kết và hành động của các công ty.
Với tư cách là chủ sở hữu tích cực, AP7 cam kết tham gia với các công ty trên toàn cầu để gia tăng trách nhiệm vận động hành lang khí hậu. Trong một tuyên bố, các nhà đầu tư nêu rõ việc vận động hành lang tìm cách trì hoãn, tiết giảm hoặc ngăn chặn hành động khí hậu của các chính phủ đi ngược lại lợi ích và có thể dẫn tới việc phán xét các hành động này trong những cuộc họp cổ đông.
Việc đặt ra tiêu chuẩn này nhằm ngăn chặn việc vận động hành lang tiêu cực, hướng các công ty tham gia vận động có trách nhiệm thông qua hỗ trợ các chính sách phù hợp với các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng đã phản ánh những nỗ lực lãnh đạo cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nếu các nước và các chính phủ không đánh giá đúng mức những nguy cơ để có những phản ứng phù hợp với tính cấp bách của tình trạng khẩn cấp khí hậu thì chắc chắn hậu quả sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn theo cấp số nhân. Qua đó, các nước cần tăng cường hành động để ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu.
Ông cũng hối thúc các chính phủ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo để bù đắp cho sự chậm trễ trong tiến trình phi carbon nền kinh tế, hướng tới tương lại năng lượng thân thiện với môi trường.
Trước COP26, các nhà vận động hành lang dầu khí bủa vây
Các nhà khoa học cho rằng mục tiêu mà thế giới đề ra hạn chế sự ấm lên của Trái Đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào giữa thế kỷ này, đang ngày càng “xa tầm tay,” do đó, cần hành động khẩn cấp trong ngắn hạn để có thể đạt được mục tiêu này.
Tổ chức phi chính phủ Global Witness báo cáo rằng ít nhất 503 nhà vận động hành lang trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, liên kết với một số tập đoàn dầu khí gây ô nhiễm nhất thế giới, đã tiếp cận COP26. Những người này chủ yếu được xen vào các phái đoàn đến từ 27 quốc gia, bao gồm Brazil, Canada và Nga. Ngoài ra, hơn 100 công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch có đại diện tại COP26.
“Chúng tôi đã phát hiện các đại biểu từ hơn 100 công ty nhiên liệu hóa thạch đã công khai danh tính của họ, tham gia thảo luận trong các phái đoàn quốc gia hoặc với các nhóm kinh doanh”, Global Witness viết.
Nhà hoạt động trẻ người Thụy Điển Greta Thunberg đã bình luận: “Đại biểu tham dự COP26 liên quan đến ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn bất kỳ phái đoàn quốc gia nào”.
Một trong những nhóm lớn nhất được xác định là Hiệp hội Thương mại Khí thải Quốc tế (IETA), với 103 đại biểu tham dự, trong đó có 3 đại biểu từ công ty dầu khí BP. Global Witness chỉ ra rằng IETA được hỗ trợ bởi nhiều công ty dầu mỏ lớn thúc đẩy hoạt động kinh doanh carbon để giúp họ tiếp tục khai thác dầu và khí đốt.
Trong khi Giám đốc điều hành Shell, Ben Van Beurden tuần trước nói rằng ông cảm thấy công ty của mình “không được chào đón” tại COP26, ít nhất 6 người, bao gồm David Hone, cố vấn cấp cao của Shell trong lĩnh vực khí hậu, đã tham gia COP26.
Tổ chức phi chính phủ Global Witness giải thích rằng những người được tính trong số các nhà vận động hành lang đại diện cho ngành nhiên liệu hóa thạch thường liên kết với các công ty như Shell, Gazprom hoặc BP, đồng thời là thành viên của các phái đoàn quốc gia khác nhau.
Tại COP26, các nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức quốc tế kêu gọi ngừng khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch để hạn chế sự ấm lên của Trái Đất. “Ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch bị ảnh hưởng lợi ích cơ bản. Mô hình kinh doanh của ngành dựa trên việc bán các sản phẩm gây ô nhiễm, hành động chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu đe dọa lợi nhuận của họ. Các nhà vận động hành lang nhiên liệu hóa thạch không nên tham gia vào các cuộc đàm phán về khí hậu. Cũng như các nhà vận động hành lang về thuốc lá đã bị loại khỏi các cuộc đàm phán về sức khỏe cộng đồng, chúng ta phải loại bỏ những tác nhân gây ô nhiễm này ra khỏi chính sách khí hậu”, Global Witness nói.
Hơn 1 tỷ người ở các vùng ven biển đối mặt với nguy cơ ngập lụt vào giữa thế kỷ, gần 50% dân số thế giới trong “vùng nguy hiểm” vì biến đổi khí hậu và 14% số loài sinh vật trên cạn phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng “rất cao” nều nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nếu tình trạng ấm lên toàn cầu không được kiểm soát ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp thì Trái Đất, vốn liên tục hứng chịu các đợt nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán trong những thập kỷ qua sẽ suy thoái theo hàng trăm cách khác nhau, trong đó có những cách không thể đảo ngược. Cụ thể, khí hậu sẽ khắc nghiệt hơn gấp 4 lần vào năm 2100 kể cả khi nhiệt độ bề mặt Trái Đất chỉ tăng thêm 1,5 độ C. Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng lên 2 độ C, số trận bão, lũ, hạn hán và sóng nhiệt sẽ tăng gấp 5 lần. Hiện nay, ít nhất 3,3 tỷ người đang sống trong vùng nguy hiểm do tác động của biến đổi khí hậu và có nguy cơ tử vong vì thời tiết cực đoan cao hơn 15 lần. Ngày càng nhiều người tử vong trong các đợt sóng nhiệt, dịch bệnh, thời tiết cực đoan, ô nhiễn không khí và nạn đói do tình trạng ấm lên toàn cầu. |