Trong thông điệp vừa phát đi của Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới Petteri Taalas, Ngày Khí tượng thế giới năm 2022 sẽ có chủ đề là “Cảnh báo sớm để Hành động sớm”.
Tổng Thư ký Petteri Taalas nhấn mạnh, từng giờ từng phút, bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân trước sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu và các hiểm họa liên quan tới nước là ưu tiên hàng đầu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO). “Do đó, tôi rất vui mừng khi chủ đề của Ngày Khí tượng Thế giới năm 2022 là “Cảnh báo sớm để Hành động sớm”.
Theo ông Petteri Taalas, chủ đề này nhằm tôn vinh những thành quả to lớn của các Cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia trong việc cải thiện hệ thống cảnh báo sớm đồng thời cũng nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của cộng đồng để giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong việc ứng dụng các thông tin cảnh báo sớm nhằm đưa ra hành động sớm.
Mặc dù vậy, chúng ta không thể tự mãn. Chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là việc đảm bảo rằng các thông tin cảnh báo sớm có thể đến với nhóm những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cung cấp những cần thông tin cảnh báo sớm nhất trên khắp thế giới tới người dân.
Biểu hiện của Biến đổi khí hậu đang trở nên rõ ràng ở mọi nơi trên thế giới thông qua các cực trị của khí hậu đang xảy ra ngày càng nhiều hơn. Chúng ta đang chứng kiến những đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng khắc nghiệt. Hơi nước hiện hữu nhiều hơn trong khí quyển của chúng ta, gây ra những trận mưa lớn cực đoan và lũ lụt. Sự ấm lên của đại dương làm các cơn bão nhiệt đới mạnh hơn và mực nước biển dâng cao làm gia tăng các tác động.
“Chúng ta dự đoán rằng, xu hướng tiêu cực này vẫn sẽ tiếp tục. Khí nhà kính được ghi nhận đang ở mức kỷ lục là nguyên nhân khiến biến đổi khí hậu tiếp diễn trong nhiều thập kỷ tới, băng tan và mực nước biển dâng có thể kéo dài đến hàng thế kỷ”, Tổng Thư ký Petteri Taalas nói.
Bên cạnh việc giảm nhẹ biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu. Hệ thống cảnh báo sớm được cho là một giải pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tổng Thư ký Petteri Taalas cho biết, năm 2021, WMO đã công bố một báo cáo thống kê về thảm họa trong 50 năm qua, đã có hơn 11.000 thiên tai liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước, tương đương mỗi ngày có một thiên tai xảy ra và khoảng 2 triệu người chết – tương đương 115 người thiệt mạng mỗi ngày.
Số lượng các thiên tai đã tăng gấp 5 lần trong 50 năm qua và các thiệt hại kinh tế đã tăng gấp nhiều lần.
Nhưng điều đáng mừng là số người thiệt mạng đã giảm đáng kể. Chúng ta đã làm tốt hơn bao giờ hết trong việc bảo vệ sinh mạng con người.
Các siêu máy tính, khoa học và vệ tinh đã làm tăng tính chính xác của các bản tin dự báo. Những bản tin cảnh báo trên điện thoại di động và các ứng dụng thời tiết giờ đây đã được đưa đến các vùng sâu, vùng xa.
“Cảnh báo sớm thực sự có hiệu quả. Nó phải có hiệu quả với tất cả mọi người và để Hành động sớm”
Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas |
Tổng Thư ký WMO cho biết, WMO đang thúc đẩy “dự báo dựa trên tác động” về các hình thái thời tiết và các tác động của chúng gây ra. Những thông tin này là rất cần thiết để tăng cường sự chuẩn bị và hành động sớm hướng tới các nhóm người dùng và khách hàng khác nhau, những người cần thông tin thời tiết.
Tuy nhiên, còn rất nhiều việc cần phải thực hiện. Chỉ mới có một nửa trên tổng số 193 Thành viên của WMO có hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai. Đồng thời, khả năng “dự báo dựa trên tác động” của phần lớn các Thành viên WMO cần được cải thiện và tăng cường.
Vẫn còn nhiều khoảng trống trong mạng lưới quan sát thời tiết và thủy văn ở châu Phi, một số khu vực của châu Mỹ Latinh, Thái Bình Dương và đảo Caribe. Điều này làm suy yếu hoạt động dự báo ở quy mô khu vực và toàn cầu.
Do đó, WMO đã tạo ra một cơ chế tài chính SOFF (Cơ chế Tài chính phục vụ Hệ thống Quan trắc) để thúc đẩy đầu tư vào hệ thống quan trắc cơ bản và bổ sung thiếu hụt về mặt dữ liệu.
WMO đang là đối tác trong Tổ chức Sáng kiến về Hệ thống Cảnh báo sớm và Rủi ro Khí hậu (CREWS), nhằm tăng cường khả năng chống chịu ở các quốc gia và cộng đồng dễ bị tổn thương nhất.
WMO đang chủ trì một liên minh mới về nước và khí hậu, nhằm tập trung nhiều hơn vào các hiểm họa và thiên tai liên quan đến nước. Chúng tôi đã có các chương trình và dự án rất thành công về bão nhiệt đới, ngập lụt ven biển, lũ lụt và hạn hán.
Tại Geneva, chúng tôi đã hợp tác với Văn phòng Liên Hợp Quốc về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai để thành lập một trung tâm tổng hợp về biến đổi khí hậu và thiên tai.
Theo Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas, WMO đã và đang phát triển một cơ chế hỗ trợ để cung cấp các bản tin dự báo thời tiết chính thống và tin cậy cho Hệ thống nhân đạo của Liên Hợp Quốc để có thể tối ưu hóa viện trợ nhân đạo trước và sau thiên tai. Chúng tôi đang làm việc cùng với các tổ chức tài trợ như Ngân hàng Thế giới, Liên minh Châu Âu, UNDP, Quỹ Khí hậu Xanh, để tăng cường nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động cảnh báo sớm.
Và đương nhiên, WMO đang tích cực hoạt động trong Chương trình nghị sự quốc tế năm 2030 về hành động khí hậu, phát triển bền vững và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
“Tầm nhìn của WMO là “đến năm 2030, chúng ta sẽ chứng kiến một thế giới mà tất cả các quốc gia, đặc biệt là những nơi dễ bị tổn thương nhất, có khả năng chống chịu tốt hơn trước các cực đoan do thời tiết, khí hậu, nước và môi trường gây ra cho kinh tế xã hội”, Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh.