“Chúa Sơn Lâm” ở Hà Nội

36 cá thể hổ được một tổ 8 người dày dạn kinh nghiệm chăm sóc tại Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội. Trong số này, nhiều con được giải cứu từ những vụ buôn bán, vận chuyển trái phép.

“Gầm Gừ! Ngoan nào…”

“Bình thường nó ngoan, thân thiện lắm nhưng cứ thấy máy ảnh, ống kính là lại căng thẳng”, vừa làm hành động ra hiệu cho chú hổ được đặt tên là Gầm Gừ bình tĩnh hơn, chị Lương Quế Thùy (nhân viên Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội) vừa nói trong tiếng gầm cảm giác như “rung trời lở đất”.

Làm việc tại đây hơn chục năm, chị Thùy cùng đồng nghiệp tự tin hiểu rõ từng cá thể hổ từ tính cách, sở thích, thói quen… thậm chí nhất cử nhất động của loài thú dữ này.

“Bảo mẫu” của hổ

“Mỗi cá thể hổ khi đưa về đây là do cơ quan chức năng giải cứu, mang đến từ những vụ buôn bán, vận chuyển trái phép. Vì vậy, thể trạng của chúng đều rất yếu, đặc biệt là rất căng thẳng”, ông Lương Xuân Hồng, Giám đốc trung tâm, chia sẻ. Từ lý do trên, loại động vật thuộc Nhóm IB trong danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm này được một tổ 8 người dày dạn kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc.

Ông Lương Xuân Hồng (Giám đốc Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội) chơi đùa với một trong 36 chú hổ.

“Hổ là loài rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương và ‘thù dai’. Chúng tôi phải khiến hổ cảm thấy chuồng là nhà chúng và những người chăm sóc là bạn”, ông Hồng nói. Nhân viên chăm hổ phải không đơn giản là cho chúng ăn, dọn chuồng mà còn phải biết cách tiếp cận, quan sát, gần gũi để tạo mối quan hệ thân thiện.

“Cho ăn không phải là cứ ném vào chuồng là xong, mà nhân viên của trung tâm cho ăn phải bón, đưa từng miếng. Như vậy mới khiến hổ cảm thấy an toàn”, ông giải thích.

Do đặc thù chăm sóc động vật hoang dã, để đảm bảo an toàn lao động, mỗi ca chăm sóc hổ bắt buộc phải có 2 người nhằm tránh việc mất tập trung khi làm việc hoặc thực hiện công việc không đúng quy trình. Trước khi vào bất kỳ khu vực nào, các cán bộ chăm sóc phải lội ủng vào dung dịch Cloramin B để tránh lây lan dịch bệnh từ động vật.

Lịch trình một ngày của tổ chăm sóc hổ diễn ra từ 8h, kết thúc lúc 17h. Công việc đầu tiên của buổi sáng là quan sát một lượt, kiểm tra xem con nào có biểu hiện bất thường, kỳ lạ hay không.

Chị Lương Quế Thùy là “bảo mẫu” chăm sóc hổ tại trung tâm đã hơn chục năm.

“Việc theo dõi hoạt động của từng con hổ rất quan trọng. Điều này sẽ giúp chúng tôi biết con nào căng thẳng, yếu tố nào tác động tới tính nết, đặc tính… Bình thường hổ không gầm. Khi nó gầm tức là đang không thoải mái. Việc đi đi lại lại trong chuồng cũng thể hiện rằng hổ đang stress”, chị Thùy nói.

Anh Chung là người đảm nhiệm công việc theo dõi hoạt động ở các chuồng hổ đã ghép. Hoạt động “đọc hành vi” của hổ giúp ích rất nhiều trong việc xây dựng phác đồ chăm sóc, phục hồi loài thú dữ này.

Năm 2006, trung tâm cứu hộ 2 cá thể hổ đầu tiên. Sau nhiều năm nhân giống và tiếp nhận thêm cá thể được giải cứu, hiện số lượng hổ tại đây dừng lại ở 36 do cơ sở vật chất có hạn. Việc sinh sản đã tạm dừng, 36 con hổ được sắp xếp, ghép đàn phù hợp để tránh việc giao phối, đồng thời đảm bảo mỗi con được ra vườn chơi một lần mỗi ngày.

Các nhân viên dọp dẹp vệ sinh chuồng hổ vào đầu giờ mỗi buổi trong ngày, sau đó rà soát lịch ra vườn chơi của hổ. Đến 11h, hổ được cho ăn. Công việc buổi chiều chủ yếu là quan sát, theo dõi tình trạng của hổ để ghi chép, báo cáo nếu có bất thường.

Hổ được cho ăn 2 lần/ngày. Tuy nhiên, trong tuần vẫn có một ngày các “bảo mẫu” không cho ăn để tránh đánh mất bản năng tự nhiên của từng con. Khẩu phần ăn của hổ khoảng 5-6 kg thịt mỗi bữa, luân phiên gồm thịt bò, thịt gà, xương sườn, gan…

Anh Nguyễn Văn Thao luôn cố gắng kích thích khả năng săn mồi của từng con hổ khi không thả đồ ăn xuống khay mà cầm miếng thịt nhử chúng nhảy lên vồ

Những công việc tưởng chừng như rất bình thường nhưng để trở thành “bảo mẫu” của hổ, điều tối quan trọng là nhân viên chăm sóc phải có tình yêu với chúng, sau đó là sự tỉ mỉ, chịu khó, nhẫn nại và kiên trì.

Mỗi chúa sơn lâm là một câu chuyện

Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội thành lập từ năm 1996 và được tổ chức lại vào năm 2013, với nhiệm vụ cứu hộ, bảo tồn, nghiên cứu động vật hoang dã.

Tổng diện tích tại trung tâm là khoảng 10.000 m2, trong đó gần 50% diện tích dành cho hổ.

Hệ thống chuồng trại được bố trí tối đa, có khoảng sân chơi cho các cá thể động vật hoang dã nói chung và hổ nói riêng để đảm bảo mỗi loài đều có môi trường hoạt động tốt nhất. Mỗi chuồng đều có 3 ngăn kiên cố, dễ dàng vệ sinh, hệ thống cửa điều khiển một chiều. Phía ngoài gắn thêm đồng hồ nhiệt kế theo dõi nhiệt độ.

Toàn bộ số cá thể hổ khu bán hoang dã là hổ Đông Dương. Mỗi con được nhận dạng chủ yếu dựa vào ngoại hình bên ngoài như hình dáng, đặc điểm trên khuôn mặt hoặc hình thể và tính cách. Từ những đặc điểm nổi bật đó, chúng được đặt tên để phân biệt và theo dõi.

Gầm Gừ là một trong những con hổ đầu tiên mà trung tâm tiếp nhận. Khoảng năm 2008, nó được vận chuyển trái phép và bị cảnh sát môi trường ở Hà Nội bắt giữ, sau đó bàn giao cho trung tâm. Thời điểm đó, vụ việc của Gầm Gừ thu hút sự quan tâm của dư luận. Các phóng viên liên tục đến trung tâm để quay chụp khiến hổ ám ảnh và khó chịu với máy ảnh, ống kính, đèn flash.

Tên gọi “Gầm Gừ” do ông Hồng đặt dựa vào tính cách hung dữ của nó. Bình thường, Gầm Gừ không phản ứng quá gay gắt với nhân viên và người lạ, song chỉ cần nhìn thấy máy ảnh, ống kính hay vật có hình thù tương tự, nó sẽ lập tức “khùng” lên, gầm gừ, đe dọa.

Gầm Gừ được coi là thủ lĩnh của cả đàn hổ, cũng là cha của một vài lứa hổ khác tại trung tâm.

Pù Mát năm nay khoảng 15-16 tuổi, được đặt tên theo nơi nó sinh sống – Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An) – trước khi đưa về trung tâm cứu hộ. Theo cán bộ trung tâm, Pù Mát to, lớn, thân dài, có tính cách rất thân thiện, muốn được vuốt ve, xoa, sờ.

Pù Mát có đặc điểm rất thú vị là thích chơi với bom bia bằng thép. Mỗi lần được thả ra ngoài vườn là nó ngậm, liếm rồi tha thùng bia suốt cả buổi.

Tuy nhiên, khi được cho ăn, Pù Mát thay đổi hoàn toàn tính cách. Nó hung dữ với bất kỳ sinh vật sống nào xung quanh, kể cả người cho nó thức ăn. Pù Mát sẽ gầm, ôm để giữ thức ăn cho đến khi không còn ai ở gần mới ăn.

Pù Mát “thoả mãn” bên bom bia từ lúc được thả ra vườn chơi tới khi các nhân viên gọi vào trong chuồng.

Tên của Jack được đặt theo đặc điểm hình thể. Cụ thể, tai trái của Jack bị khuyết một phần nên các nhân viên đặt tên Jack – tức Rách. Chú hổ này thích đùa với cành cây. Khi tiếp nhận về trung tâm, Jack hơi nhút nhát, đề phòng, tuy nhiên sau khoảng thời gian chăm sóc, chú này thân thiện và gần gũi hơn với những nhân viên trung tâm.

Jack là con dễ đoán được tên nhất khi có đặc điểm tai trái bị khuyết một mẩu.

Đồng Nai là cá thể hổ đầu tiên ở trung tâm, có đặc điểm 2 chân trước ngắn và bị móng quặp. “Một vài ngày nữa, chúng tôi phải gây mê để cắt bỏ tránh để dài đâm xuyên vào phao đệm dưới chân. Khi về đây, nó bị nấm rụng toàn bộ lông, điều trị mất 3 năm, lấy mẫu xét nghiệm nhiều và phải nhờ chuyên gia”, bác sĩ thú y Trịnh Thị Thu Hằng cho biết.

“Cam là con của Đồng Nai, cũng bị ngắn 2 chân trước, viêm phế quản co thắt, mất 2 tháng không ăn, người bị trụi toàn bộ lông. Nhân viên chăm sóc phải bón từng giọt sữa, dần dần mới hồi phục”, chị Hằng chia sẻ thêm.

Dựa vào hình dạng bên ngoài, bác sĩ thú y Trịnh Thị Thu Hằng nhận định Cam (con của Đồng Nai) là sản phẩm của giao phối cận huyết nhưng để chính xác thì phải xét nghiệm gen.

Năm 2012, Công an tỉnh Nghệ An bàn giao cặp hổ Bi và Bốp cho trung tâm. Thời điểm tiếp nhận, đôi hổ này trông mập, nhìn tưởng đáng yêu nhưng thực ra không ổn vì bị béo phì, chân lũn cũn, ngắn. Sau khoảng thời gian chăm sóc tại trung tâm, cặp hổ đã trở lại với trạng thái hình thể bình thường.

Bi và Bốp không biết có cùng mẹ hay không nhưng ở với nhau từ bé.

Ông Lương Xuân Hồng (Giám đốc Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội) cho biết mỗi cá thể đều có câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau, đa phần đều là tiếp nhận từ các cơ quan chức năng từ những vụ buôn bán, vận chuyển trái phép. Khi tịch thu, bắt giữ, cơ quan chức năng sẽ đưa về trung tâm cứu hộ.

“Khi tiếp nhận, chúng tôi khám sàng lọc, phân loại sức khỏe. Mỗi bạn có một chương trình, kế hoạch chăm sóc để phục hồi nhanh nhất. Đặc biệt việc đầu tiên phải làm là giảm stress cho các bạn, thì các bạn mới phối hợp để chăm sóc. Đây là yêu cầu khó khăn và quan trọng để quyết định kết quả cứu hộ động vật hoang dã nói chung và hổ nói riêng”, ông Hồng chia sẻ.

Nơi “hồi sinh” động vật hoang dã

Là nơi cứu hộ động vật hoang dã, hầu hết cá thể động vật được đưa về trung tâm “không lành lặn”. Có con bị ảnh hưởng tinh thần, có con khiếm khuyết cơ thể. Vì vậy, trung tâm có một “phòng khám” do bác sĩ thú y Trịnh Thị Thu Hằng phụ trách.

“Phòng khám” hiện có một cá thể tê tê trong tình trạng nguy kịch sau khi bị vận chuyển, buôn bán trái phép. “Bệnh nhân” còn lại là cá thể cầy hương bị tiêu chảy.

“Bé tê tê này đã về trung tâm được 3 hôm nhưng sức khỏe vẫn đang rất yếu vì tiêu chảy, mất nước”, chị Hằng nói và nhận định có thể trong quá trình vận chuyển, cá thể tê tê này bị nhồi nhét thức ăn bắt tiêu hóa nên đường ruột bị ảnh hưởng.

“Chúng tôi đang cho bé thở oxy, truyền nước và sưởi ấm. Bé chưa thể ăn gì và tiên lượng không tốt”, bác sĩ Hằng nói.

Trong khi đó, cá thể cầy hương được trung tâm tiếp nhận từ trước nhưng gần đây bị tiêu chảy. Cá thể này bị mất chân trước bên trái.

“Đó là hậu quả của bẫy. Các cá thể cầy hương khi chúng tôi tiếp nhận hầu như đều cụt chân do bị bẫy kẹp. Hoặc có những con không bị bẫy, được nuôi từ bé nhưng bị chính chủ nuôi bẻ gãy chân để ‘biến’ chúng thành cầy hương rừng”, bác sĩ Hằng kể.

“Mục đích cuối cùng của trung tâm là có thể tái thả động vật hoang dã về tự nhiên”, ông Lương Xuân Hồng nói nhưng cũng chia sẻ rằng việc này rất khó khăn.

Theo đó, động vật hoang dã sau khi được giải cứu nếu muốn tái thả phải đạt nhiều tiêu chí như có đủ sức khỏe hay còn giữ được bản năng tự nhiên, môi trường cho cá thể đó có phù hợp không… Vì vậy, trung tâm hiện có hàng trăm cá thể động vật hoang dã các loại nằm trong diện phải “nuôi trọn đời”.

“Mỗi năm, trung tâm cứu hộ trên dưới 1.000 cá thể và hổ chỉ chiếm số ít. Mọi người hay thấy hổ oai dũng, to lớn mà nghĩ chúng quan trọng hơn các động vật khác. Tuy nhiên, dưới góc độ bảo tồn, tất cả loài động vật phải được đối xử công bằng như nhau vì mỗi loài chỉ có một sinh mạng duy nhất”, ông Hồng chia sẻ.