Tại Cuộc họp lần thứ 74 của Ủy ban thường trực Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) từ 7-11/3/2022, Cơ quan điều tra Môi trường (EIA) đã kêu gọi CITES giải quyết đường dây buôn bán ngà voi và vảy tê tê giữa Nigeria-Việt Nam.
Theo báo cáo của Hệ thống thông tin buôn bán voi (ETIS) cho cuộc họp lần thứ 18 của Hội nghị các bên của Công ước CITES (CoP18), báo cáo Tội phạm về Ma túy và Tội phạm Thế giới năm 2020 của Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), Nigeria và Việt Nam được xác định lần lượt là trung tâm xuất khẩu và nhập khẩu lớn nhất ngà voi và vảy tê tê.
Báo cáo mới của EIA “Trách nhiệm chung: Đường dây buôn bán động vật hoang dã Việt Nam – Nigeria và sự tuân thủ CITES” đã nhận định cả hai quốc gia có vai trò chung và chính yếu trong buôn bán ngà voi và vảy tê tê.
Bất chấp một số tiến bộ của cả hai nước trong việc giải quyết tội phạm về động vật hoang dã, theo EIA, các biện pháp vẫn chưa tương xứng so với vai trò quan trọng của hai nước trong đường dây buôn bán bất hợp pháp ngà voi và vảy tê tê.
Kể từ năm 2021, khoảng 17 tấn ngà voi và vảy tê tê đã bị bắt giữ trên đường từ Nigeria đến Việt Nam, minh chứng rõ ràng cho sự tồn tại của hành lang buôn bán bất hợp pháp này.
Tuy nhiên, theo nhận định của EIA, các cơ quan thực thi pháp luật của hai quốc gia thiếu hợp tác quốc tế khi truy tố các vụ bắt giữ quy mô lớn được xuất khẩu từ Nigeria sang Việt Nam, từ đó phá vỡ mạng lưới tội phạm về động vật hoang dã.
Hơn nữa, mặc dù tham nhũng đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy buôn bán động vật hoang dã, các biện pháp chống tham nhũng không được đưa vào Kế hoạch Hành động Quốc gia về Ngà voi (NIAP) của Nigeria và Việt Nam. Đặc biệt, hai quốc gia không có biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề tham nhũng tại các cảng khét tiếng trong tuyến đường buôn bán động vật hoang dã từ Nigeria đến Việt Nam, theo EIA.
Kể từ năm 2014, cả Nigeria và Việt Nam đã không gửi báo cáo hàng năm cho Ban thư ký CITES về kho dự trữ ngà voi do thiếu hệ thống thích hợp để kiểm kê, quản lý ngà voi và các động vật hoang dã bất hợp pháp khác.
Do vậy, EIA khuyến cáo hai nước cần tiến hành kiểm kê kho dự trữ ngà voi để ngăn chặn ngà voi và các mẫu vật động vật hoang dã khác bị rò rỉ vào thị trường bất hợp pháp, tiếp sức cho nạn săn trộm voi.
EIA cũng kêu gọi Ủy ban thường trực CITES đề nghị Nigeria và Việt Nam thực hiện các cam kết trong Công ước CITES một cách hiệu quả và gắn kết.
Bạch Dương