Với phương châm “4 tại chỗ” là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư ᴠà hậu cần tại chỗ, Vườn Quốc gia Phú Quốc luôn trực chiến, căng mình cho công tác phòng chống cháy rừng nhất là vào mùa khô.
Cảnh giác cao độ
Khoảng cuối tháng 2 là thời điểm mùa khô ở Phú Quốc, tuy nhiên sau Tết Phú Quốc lại có thêm một số trận mưa, nhiệt độ đang duy trì ở mức khoảng 30℃, những cánh rừng cũng có phần hạ nhiệt.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực Bãi Thơm là rừng tràm xen lẫn đồng cỏ còn khá xanh. Tuy nhiên lớp thực bì khô dày 40 đến 50cm cũng luôn ở tình trạng hanh khô, mang nét đặc trưng riêng của loại rừng có nguy cơ cao trong mùa khô.
Từ tháng 11/2021, Vườn Quốc gia Phú Quốc đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật đầu mùa khô, xây dựng bản đồ phân vùng trọng điểm, tuyên truyền giáo dục trong nhân dân, xây dựng và duy trì các công trình phòng chống cháy, chuẩn bị đầy đủ phương tiện và thiết bị phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng.
Ông Phạm Viết Giáp, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ và phát triển rừng – Vườn Quốc gia Phú Quốc cho biết luôn chuẩn bị phương tiện và bố trí lực lượng ứng trực phòng cháy chữa cháy. “Dù là thời tiết mát mẻ hay có mưa thì chúng tôi vẫn phải hết sức cảnh giác, luôn kiểm tra và bố trí lực lượng trực xuyên suốt. Các hồ nước trong rừng cũng duy trì được mực nước từ 2 đến 4m để phục vụ cho công tác phòng chống cháy rừng”, ông Giáp chia sẻ.
Huy động hơn 1.000 người
Trong 31 tiểu khu rừng của Vườn quốc gia Phú Quốc quản lý, có 17 tiểu khu nguy cơ cháy cao. Các tiểu khu này là hiện trạng rừng non, tràm, thực bì dày, các loại bưng, dây leo, cây bụi có nguy cơ cháy cao.
Vườn Quốc gia Phú Quốc cũng đã có phương án nhằm nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng, kiểm soát cháy rừng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Phát huy tối đa các nguồn lực làm giảm thiểu số vụ phá rừng, cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, góp phần phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường trên đảo.
Theo phương án đã xây dựng, lực lượng tham gia với tổng số 19 Đội Phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) gồm hơn 1.000 người ở các các xã, phường, các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Tiệp, Giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc cho biết trong phương án có đề ra một số tình huống giả định phòng chống cháy rừng từ đơn giản đến phức tạp, xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao.
Ông Tiệp thông tin: “Vườn Quốc gia Phú Quốc đã duy trì, sửa chữa các công trình PCCCR, kiểm tra duy tu các tuyến đường PCCCR. Ngoài ra, các nguồn nước tự nhiên, xe bồn, giếng công nghiệp cũng được chuẩn bị sẵn sàng trong mọi tình huống. Chúng tôi cũng tổ chức tập huấn và quản lý bảo vệ rừng, phối hợp chặt chẽ cùng UBND các xã, các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn nhằm chủ động cho công tác phòng chống cháy rừng”.
Vượt khó, tranh thủ sức mạnh tập thể
Vẫn còn rất nhiều khó khăn đối với Vườn Quốc gia Phú Quốc như việc quy hoạch đất của Phú Quốc chưa được ổn định, dân cư, đất canh tác còn đan xen trong rừng. Khu vực rừng phòng hộ đường đi khó khăn khi có cháy lực lượng khó cơ động để chữa cháy, dập tắt. Địa bàn rừng mở rộng từ Bắc đảo đến Nam đảo nên việc điều phối lực lượng phòng cháy, chữa cháy cũng gặp không ít khó khăn.
Vườn Quốc gia Phú Quốc đã khắc phục khó khăn, tận dụng sức mạnh của nhân dân, phối hợp với các lực lượng để làm tốt công tác bảo vệ rừng. Không chỉ nguồn nhân lực, vật lực luôn trong tư thế sẵn sàng mà các Đội quản lý bảo vệ rừng còn huy động cả người dân tham gia công tác bảo vệ rừng trong những thời gian cao điểm.
Ông Nguyễn Văn Chiến, người dân xã Bãi Thơm, TP. Phú Quốc chia sẻ: “Chúng tôi được cán bộ tập huấn, tuyên truyền về lợi ích của rừng. Người dân chúng tôi bảo nhau phải ý thức cùng bảo vệ, nhắc nhở các hộ ven rừng sử dụng lửa phải an toàn, khi đốt rác phải gom đống nhỏ, có thùng nước kế bên. Đốt xong đống này mới đốt tiếp đống khác vì nếu lỡ bắt lửa vào rừng mùa khô này rất khó chữa”.
Vườn Quốc gia Phú Quốc có tổng diện tích là 36.262ha, bao gồm: hợp phần rừng đặc dụng và hợp phần rừng phòng hộ. Ranh giới hành chính trên 6 xã gồm: Cửa Dương, Bãi Thơm, Gành Dầu, Hàm Ninh, Cửa Cạn và một phần xã Dương Tơ. Khu vực này khoảng trên 40.000 dân sống bằng nghề trồng tiêu, nghề biển, dịch vụ. |