Phóng sự ảnh Rừng Tây Bắc bừng sáng mùa hoa Sơn Tra 09/03/2022 FacebookTwitterPinterestWhatsApp Những ngày này, trên khắp các triền đồi, bản làng vùng cao Tây Bắc ngập tràn hương sắc hoa Sơn Tra. Sơn Tra (tên quen thuộc là Táo mèo) là cây đặc sản ở vùng cao Tây Bắc. Không chỉ mùa quả chín, hàng năm cứ khoảng tháng 2 – 3, những cây Táo mèo lại nở hoa khoe sắc rực rỡ trên các triền đồi, bìa rừng. Cây Sơn Tra thường mọc tự nhiên trong những cánh rừng ở vùng núi cao, nhiều nhất là ở tỉnh Sơn La, Yên Bái và Lào Cai. Quả Sơn Tra được bà con đồng bào Mông thu hoạch đem bán để ngâm rượu, ngâm mật ong, đường… Những ngày này, trên khắp các triền đồi của bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, những cây Sơn Tra đang bung nở bừng sáng khắp các cánh rừng. Bản Nậm Nghiệp với độ cao trung bình 2.200 mét so với mặt nước biển, có diện tích Sơn Tra lớn nhất với hơn 1.600 ha cây. Trong đó, có khoảng 800 ha là cây cổ thụ với tuổi đời từ 300 – 500 năm. Từng bông nở trắng muốt khắp các cánh rừng, len lỏi đến từng ngôi nhà tạo thành một bức tranh thơ mộng, thu hút ánh nhìn từ xa hay thậm chí lại gần cũng khó có thể rời mắt khỏi chúng. Hoa Sơn Tra khi bung nở ta sẽ nhìn rõ 5 cánh với nhụy vàng, xen kẽ màu nâu… Hoa mang màu trắng ngà chứ không trắng tinh như hoa mận, hoa mơ, hoa lê, nó có vẻ đẹp tự nhiên, bình dị như người thiếu nữ Mông trên những nẻo đường rẻo cao Tây Bắc. Tựa như hoa mận, hoa Sơn Tra nở thành từng chùm, giữa tán cây xanh rì mang vẻ đẹp nổi bật vô cùng rực rỡ. Mỗi khi mây mù bao phủ trên những cánh rừng, hay ánh nắng ban mai mới lên tạo thành 1 bức tranh sơn thuỷ đa sắc màu cuốn hút du khách. Chẳng những mang giá trị kinh tế cao khi thu hoạch quả, mùa hoa Sơn Tra nở rộ giữa tiết trời xuân vừa tô điểm thêm sức sống cho mảnh đất vùng cao, vừa thu hút khách du lịch tìm đến để được ngắm tận mắt và check in dưới rừng hoa. Cây Sơn Tra đã gắn bó với đồng bào dân tộc Mông ở vùng cao Tây Bắc nhiều đời nay, là cây xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Nguồn: Tuấn Vũ/Báo Lao động Bài liên quan: Chuyển nhượng carbon rừng: Thách thức và khuyến nghị Sản xuất cao su bền vững hướng tới phát thải thấp Tham vấn công chúng và phát huy dân chủ Tình nguyện trồng cây bản địa ở New Zealand Suy thoái tài nguyên rừng trên thế giới – Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam Xu hướng áp dụng thuế carbon và bài học cho Việt Nam