Nhờ việc triển khai Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản, đến nay trên địa bàn Đầm Hà đã chấm dứt hoàn toàn việc khai thác khoáng sản trái phép.
Huyện Đầm Hà có 3 khu vực được quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ đã được phê duyệt làm mỏ sét tại xã Tân Bình, Quảng Tân và mỏ quặng tại xã Quảng Lâm. Ngoài ra, huyện còn có 23 điểm được nghiên cứu thăm dò, khai thác, sử dụng đất làm vật liệu san lấp tại 8 xã, thị trấn, trong đó có 4 điểm khai thác khoáng sản.
Thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU ngày 9/5/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Huyện ủy Đầm Hà đã chủ động cụ thể hóa, ban hành Kế hoạch số 166-KH/HU, 11 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn huyện. UBND huyện cũng xây dựng, ban hành 1 kế hoạch, 21 văn bản khác để chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời tất cả các nội dung theo chỉ đạo tại Nghị quyết 16.
Xác định công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản là lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy Đầm Hà chỉ đạo UBND huyện, cấp ủy các cấp, các phòng, ban, địa phương, đơn vị phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu nghiêm túc chấp hành tốt công tác quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản. Trong đó, tập trung tổ chức, thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại các khu vực được quy hoạch khoáng sản làm vật liệu thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp san lấp trái phép, sử dụng vật liệu san lấp không rõ nguồn gốc trên địa bàn để xem xét, xử lý theo quy định.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện thành lập tổ công tác để tiến hành rà soát, đẩy nhanh tiến độ rà soát đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện, đảm bảo 100% các trường hợp sử dụng đất được rà soát, kiểm tra.
Chính quyền các cấp cũng tăng cường kiểm tra đối với các dự án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn; kiên quyết xử lý đối với các trường hợp phát hiện có dấu hiệu, mục đích lợi dụng thực hiện các dự án nhằm khai thác tài nguyên khoáng sản. Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước, UBND huyện đã yêu cầu các chủ đầu tư khi ký hợp đồng thi công với đơn vị nhà thầu phải có cam kết về việc không được tiêu thụ các loại vật liệu xây dựng là khoáng sản không hợp pháp, không chứng minh được nguồn gốc, nhất là nguồn vật liệu cát, đất san lấp mặt bằng. Các cơ quan chuyên môn của huyện khi thẩm tra thanh, quyết toán dự án, tuyệt đối không thanh toán đối với những khối lượng vật liệu không hợp pháp đưa vào công trình…
Huyện cũng thực hiện lập và duy trì đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị tố giác vi phạm. Phân công lãnh đạo và giao cán bộ phụ trách cụ thể đảm bảo thông tin liên lạc 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý…
Với các giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết 16, trên địa bàn huyện đã tạo sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động, nhất là cơ chế, trách nhiệm được củng cố, thực hiện có hiệu quả.