Bề ngoài, chúng là những sinh vật biển hiện đại bình thường nhưng bên trong là bộ nhiễm sắc thể với cấu trúc cổ đại được bảo tồn từ 600 triệu năm về trước.
Nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Daniel Rokhaer từ Khoa Sinh học phân tử và tế bào, Đại học California ở Berkeley cho biết đó là những động vật không xương sống vẫn bơi đầy nhiều đại dương ngày nay, bao gồm một số loài bọt biển và sứa.
Phân tích mới cho thấy những động vật đa bào đầu tiên của Trái Đất mang gene của chúng trên 29 cặp nhiễm sắc thể. Khi những động vật đại dương đầu tiên xuất hiện và tiến hóa thành động vật không xương sống từ bọt biển đến giun, nhiều nhiễm sắc thể trong số này vẫn giữ nguyên trong vòng hơn nửa tỉ năm.
Những loài được đem ra nghiên cứu lần này bao gồm Branchiostoma floridae, một loài xinh xắn giống hoa; sinh vật biển giống chiếc bút lông tên amphioxus; bọt biển nước ngọt Ephydatia muelleri; sứa lửa Rhopilema esculentum….
Có khi, chính bản thân chúng ta cũng mang phần nào những cặp nhiễm sắc thể sơ khai này, đã được “tái tạo” qua nhiều lần nhân đôi, hợp nhất và sắp xếp lại
Bài công bố trên Science Advances cho rằng phát hiện trên cho thấy tiến hóa là một quy trình bảo thủ và cho dù trải qua hàng tỉ năm, vô số thế hệ và các kiểu thay hình đổi dạng, nhiều thứ cổ đại sẽ mãi mãi liên kết sự sống của một hành tinh trên một cây gia phả phức tạp. Họ còn phát hiện sự bảo tồn tương tự của DNA trên các nhiễm sắc thể ở một số loài.
Trong khi động vật không xương sống bảo tồn các cặp nhiễm sắc thể nguyên thủy một cách khá toàn vẹn thì động vật có xương sống như chúng ta lại chọn cách “trộn” chúng lên khi tiến hóa, tiến sĩ Rokhaer và các cộng sự cho biết thêm trong bài công bố.