Điều gì đẩy các ngư dân đến nỗi tuyệt vọng đằng sau cánh cửa nhà giam của những nước láng giềng? Và tại sao dù biết kết cục cay đắng đó, nhiều người dân vẫn liên tiếp dấn tàu vào khu vực đánh bắt cá trái phép? Và lí do gì khiến nỗ lực gỡ thẻ vàng của Việt Nam vẫn chưa thể thành công?
Trong căn buồng giam ở Tanjung Pinang, Indonesia, ngư phủ Việt Nam tên Nguyễn Văn Tư, 64 tuổi, một mình vật lộn với những cơn đau nhức ở cẳng chân. Mùa hè hai năm trước, tàu cá ông làm việc bị bắt quả tang đang thả lưới trái phép trong vùng biển Indonesia. Theo luật pháp nước này, những ngư dân làm thuê sẽ không bị phạt tù. Tuy nhiên, Tư đã không đủ tiền mua vé máy bay về nước sau phiên tòa nên bị giữ lại suốt 20 tháng qua.
Hàng trăm ngư dân Việt Nam giống Tư đang đợi chờ ngày về từ các nhà giam kham khổ của Indonesia nhưng có lẽ tình cảnh của Tư bi đát hơn cả. Ông bị tách ra khỏi đồng hương và bị giam riêng biệt do bị nghi mắc bệnh phong.
Thực trạng ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển nước khác phổ biến đến mức, năm 2017, Việt Nam đã bị Ủy ban châu Âu (EC) rút thẻ vàng cảnh cáo hoạt động khai thác thủy sản. Theo số liệu thống kê của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, hàng ngàn ngư dân trên hơn 1.000 tàu cá bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ trong ba năm 2017-2020.
Sức hút bên kia biên giới
Tháng 6/2020, một chiếc tàu gỗ tải trọng hơn 200 tấn với tên gọi “tàu cái” rời tỉnh Kiên Giang chở Tư cùng 17 thuyền viên, hướng về phía Nam của Biển Đông. Trên hành trình này, đi cùng với nó là một chiếc tàu bé hơn mang tên “tàu đực”. Sau hơn ba ngày, cặp tàu đến vùng biên giới Việt Nam – Indonesia, tài công ra lệnh thả lưới và tắt máy định vị nhằm thoát khỏi sự giám sát của cơ quan chức năng từ đất liền.
“Hai chiếc tàu chạy song song kéo theo tấm lưới phía sau. Lưới dài tận mấy km, mắt lưới nhỏ xíu nên tóm gọn mọi thứ: mực, tôm hùm, ba ba, rùa, cá ngừ, cá hồng, cá thu, thậm chí có khi cả hải mã, san hô”, Tư miêu tả lại hành trình của mình. “Nhiều lúc thuyền trưởng mải mê chạy theo luồng cá, lái tàu vào vùng biển nước khác”.
“Cá ở vùng biển Indonesia và Malaysia nhiều hơn và lớn hơn. Cá ở biển Việt Nam chỉ nặng 1-3kg, còn ở hai nước kia cá từ 6-7kg trở lên.” Sự giàu có của những ngư trường láng giềng đã kéo ngư dân ra khỏi biên giới.
Tàu cái của Tư có bảy hầm chứa cá, mỗi hầm chứa khoảng 20 tấn. Cách 10 ngày hoặc hai tuần một lần, khi các hầm đã đầy, từ đất liền, chủ tàu sẽ cử một tàu hậu cần chạy ra tiếp tế dầu, nước đá, thực phẩm cho ngư dân, sau đó vận chuyển thành quả đánh bắt được về cảng, bán cho các công ty xuất khẩu thủy sản.
“Tàu hậu cần giúp ngư dân bám biển lâu hơn, kéo dài đến ba tháng. Lưới cào gần như liên tục trong lòng đại dương”, từ nhà giam người đàn ông gầy hom hem nhớ lại.
Tư cho biết, có không ít tàu ở Kiên Giang to hơn, với thiết kế hơn 10 hầm cá. Trên tàu, ông chuyên phụ trách nấu ăn và phân loại hải sản. “Lưới tóm được rất nhiều cá con. Chúng chỉ to bằng ngón chân cái và được người mua chế biến thành phân bón”. Sau một chuyến đi, chủ tàu thu về khoảng 3 tỷ đồng, gấp đôi, thậm chí là gấp ba lần so với đánh bắt tại vùng biển Việt Nam.
Để tăng sản lượng đánh bắt, không ít ngư dân Việt Nam đã đi vào vùng biển các nước: Malaysia, Indonesia, Thái Lan,…, thậm chí tiến xa hơn trên Thái Bình Dương. Trong đó, Kiên Giang được biết đến như điểm nóng của cả nước về số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Rốt cuộc sau bốn năm, Việt Nam không những chưa thể gỡ thẻ vàng của EC mà còn đối mặt với thẻ đỏ treo lơ lửng trên ngành đánh bắt; nếu điều này xảy ra, lệnh cấm hoàn toàn xuất khẩu cá sang EU sẽ được thực thi. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm tháng đầu năm 2021, đã xảy ra 32 vụ với 56 tàu và 446 người vi phạm về chống khai thác “đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định” (IUU). Còn phía EC dù đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam nhưng cũng thẳng thắn, nếu còn một tàu vi phạm thì không nói đến chuyện gỡ thẻ vàng.
Bờ biển trống rỗng
Không phải đến tận bây giờ, trên những con tàu nối đuôi nhau vi phạm vùng biển nước ngoài, ngư dân mới có hình thức đánh bắt tận thu như vậy. Điều đó đã diễn ra hàng thập kỉ qua trên những tàu nhỏ dọc bờ biển Việt Nam.
Trước khi trở thành ngư dân đánh bắt xa bờ, Tư đã có hơn năm năm làm ngư dân trên những chiếc tàu nhỏ đánh bắt ven bờ tỉnh Cà Mau. Chúng là những chiếc thuyền nhỏ rời cảng vào sáng sớm và cập bờ khi trời vào chiều. “Các tàu gần bờ thường sử dụng loại lưới có mắt nhỏ, bắt cả những đàn cá đang vào bờ để đẻ trứng. Bị “động” nên về sau cá dạt sang các vùng biển khác, không quay về chỗ cũ nữa”, Tư biết rõ hệ lụy của cách khai thác này. “Nhưng cá ngày càng ít còn ngư dân cần bắt thật nhiều cá để nuôi vợ con. Chúng tôi là lao động chính của gia đình”.
Ban đầu, mỗi ngày Tư kiếm được 200-300.000 đồng, nhưng những năm sau, số tiền ngày càng giảm dần, thậm chí có khi ông tay không trở về. “Vì những mẻ lưới gần bờ trắng trơn, tôi phải tìm kiếm những con tàu đi xa hơn trên Biển Đông”. Tư nhớ lại.
Là một phần của Biển Đông – hệ sinh thái biển phong phú nhất hành tinh với khoảng 3.365 loài cá biển, vùng biển gần bờ của Việt Nam đã từng rất giàu có. Trong trí nhớ của thuyền trưởng Nguyễn Văn Thành, 33 tuổi, khu vực biển xung quanh đảo Phú Quốc (Kiên Giang) những năm 2000 đầy ắp các loại cá, mẻ lưới nặng trĩu mỗi lần nhấc lên khỏi mặt nước. Thành nghỉ học, bắt đầu ra khơi làm ngư dân lúc 14 tuổi và trở thành thuyền trưởng sáu năm trước. Mỗi chuyến đi của anh khi ấy dài chỉ một tuần, ngư dân bám biển 20 ngày mỗi tháng. Bây giờ, do số lượng cá ngày càng giảm, anh phải lênh đênh trên biển gần một tháng, có khi hai tháng mới về nhà. “Vùng biển gần bờ gần như trống rỗng”, Thành nói. “Muốn bắt nhiều cá to như cá ngừ, cá thu, tàu phải chạy thật xa”.
Chia sẻ ký ức tương tự như Thành, ngư dân Nguyễn Thanh Hồng ở Quảng Ngãi cũng từng nhìn thấy những đàn cá lớn ở bờ biển miền Trung mà nay đã không còn bóng dáng. “Chúng nhiều đến mức, chúng tôi chỉ cần chiều muộn ra khơi và sáng hôm sau trở về”, người đàn ông trung niên da sạm nắng nhớ về những khoang thuyền phủ đầy màu bạc, hồng, xen lẫn sắc xanh, đen của các loại hải sản. Lúc ấy, hầu hết các tàu ở quê anh có công suất thấp, chỉ đánh bắt gần bờ.
“Chúng tôi có nhiều kiểu đánh bắt như lưới kéo, lưới vây, và cả lưới cào gần bờ, bắt được mọi thứ: cá nhỏ, cá to, tôm, sò, mực… Từ độ năm 1996, ngư dân trong xã có thêm nghề pha xúc – rọi đèn pha công suất khoảng 2000W xuống biển, cá cơm sẽ tự nổi lên, sau đó ngư dân chỉ việc thả lưới kéo lên”. Thế mà giờ đây, “Số hải sản bán được không đủ trả công cho thuyền viên”, ngư dân Quảng Ngãi nói.
PGS.TS Vũ Thanh Ca (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo Việt Nam) nhận định, nguồn lợi thủy sản ở vùng biển Việt Nam đang suy giảm ở mức báo động. Một trong những nguyên nhân chính là do ngư dân đã có nhiều năm tập trung đánh bắt gần bờ với số lượng cá đánh bắt vượt quá khả năng tái tạo của đàn cá; và trong một số trường hợp, dùng các ngư cụ đánh bắt hủy diệt như thuốc nổ, thuốc độc, đèn có công suất cao, kích điện, lưới mắt nhỏ và dày – ngư cụ có thể đánh bắt tất cả các loại và kích cỡ cá kể cả cá con.
“Chính quyền một thời gian dài hoặc là lơ là, hoặc là không đủ nguồn lực để kiểm soát các hoạt động này”, ông Ca giải thích.
Thực trạng của ngư trường Việt Nam được phản ánh qua kết quả đánh giá của chương trình Sức khỏe Đại dương (OHI). OHI đánh giá 221 khu vực đại dương trên toàn cầu, với thứ hạng 199, Việt Nam là nước thấp nhất trong số các quốc gia ở Biển Đông. Ngoài ra, trong số mười tiêu chí tạo nên điểm số tổng thể 56/100 của Việt Nam, điểm Cung cấp thực phẩm và Mức độ khai thác thủy sản bền vững đặc biệt thấp.
Nhưng rủi ro và bấp bênh của nghề biển lại không đủ sức níu chân người trẻ. Tàu thuyền lớn hơn, hiện đại hơn, nhiều hơn nhưng “thế hệ ngư dân tương lai” có lẽ sẽ thưa thớt đi. Giờ đây ở làng quê, những chuyến ra khơi ngày càng chật vật khi “tìm đỏ mắt mới có ai chịu làm ngư phủ”. |
Chen chúc giữa “biển đói”
Nhưng không chỉ nguồn hải sản gần bờ đã cạn, những mẻ lưới kéo lên từ khơi xa cũng chứa đầy thất vọng.
Chính phủ nhiều năm dài khuyến khích ngư dân bám biển. Họ không chỉ là một trong những trụ cột kinh tế đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thuỷ sản lớn thứ ba thế giới, mà còn được xem là cột mốc sống trên Biển Đông. Sự hiện diện của lực lượng ngư dân tại đây là một trong những cách để khẳng định chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Điều này đã dẫn đến sự bùng nổ số lượng tàu với tần suất xuất hiện dày đặc trên biển. Theo Tổng cục Thống kê, trong 20 năm qua, số lượng tàu biển tăng gần gấp bốn lần từ 9.766 chiếc năm 2000 lên hơn 35.000 chiếc. Hơn một nửa số tàu này đến từ miền Trung và hơn một phần tư đến từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đi cùng với sự tăng trưởng về số lượng tàu là sự bùng nổ của công suất tàu. Tổng công suất tàu cá của Việt Nam năm 2020 là 14 triệu CV, cao hơn gấp ba lần so với con số 10 năm trước. Trong ba tỉnh đóng góp nhiều công suất nhất, có hai tỉnh thuộc miền Trung – Bình Định và Quảng Ngãi, tỉnh còn lại thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Kiên Giang. Trong quan sát của Thành và Hồng, số lượng tàu hiện nhiều hơn 10 năm trước rất nhiều khiến “những con tàu san sát nhau trên mặt biển”.
Và không phải chỉ “cạnh tranh gay gắt” với nhau, các ngư dân còn phải dè chừng một “thế lực khác” trên chính vùng biển của nước mình: tàu của Trung Quốc. “Nhu cầu thủy sản của 1,4 tỷ dân quốc gia này là quá lớn và để đáp ứng được, các đội tàu đánh cá của Trung Quốc phải tiến xa hơn trên các đại dương, tràn ra ngoài lãnh hải của họ. Các tàu cá Trung Quốc cào nát Biển Đông, lấn át các nước láng giềng trong khu vực” – ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM và thành viên dự án Đại ký sự Biển Đông, cho biết.
Trên những chuyến ra khơi đến quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, hai ngư trường được cho là nguồn cá còn dồi dào của Việt Nam, Hồng và những ngư dân quê anh thường xuyên bắt gặp các đoàn tàu vỏ thép lớn của Trung Quốc. “Mỗi đoàn có 20-30 chiếc dài 60m, to gấp 2-3 lần tàu gỗ của người Việt. Họ dùng lưới cào, và có cả hải cảnh bảo vệ. Khi thấy tàu của ngư dân Việt Nam lại gần, chúng sẽ rượt đuổi”, Hồng nhớ lại. “Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam không đủ khả năng bảo vệ tất cả ngư dân hoạt động trên Biển Đông”.
Hồng là một trong năm ngư dân đầu tiên ở tỉnh Quảng Ngãi được ngân hàng và chính quyền tỉnh chọn là ngư dân tiêu biểu nhận khoản vay đóng tàu lãi suất thấp vào năm 2017. Đây là cách để nhà nước thúc đẩy ngư dân đánh bắt xa bờ và tăng sức mạnh cho tàu cá Việt Nam. Nhưng kể cả vậy, lòng Biển Đông, vựa cá của cả nước đã không còn giàu có, không đủ sức kham hết những con tàu ngày càng to lớn và nhiều lên, chưa kể còn phải oằn mình gánh cả tàu cá nước láng giềng.
“Tôi đã nghĩ đó là cách tiếp tục nghề đánh bắt khi biển gần bờ đói. Tôi sẽ đi đến những vùng biển xa hơn ở trong nước, nơi có nhiều cá to”, Hồng kể. Con tàu vỏ thép chắc chắn, có thể đi xa hàng ngàn hải lý, tải trọng mấy trăm tấn vẫn in đậm trong tâm trí anh nhưng giấc mộng đó đã kết thúc chỉ sau ba năm con tàu chạm sóng.
“Ngay cả khi đi xa bờ thì không phải lúc nào cũng nhiều cá. Chúng tôi lênh đênh trên biển cả tháng trời với con tàu hiện đại và trở về với số cá không bằng 20 năm trước trên con tàu gỗ gần bờ”, ngư dân miền Trung này nói, giọng nghẹn lại. Ở tuổi 51, ngư dân kỳ cựu cuối cùng của làng đang chìm ngập trong món nợ hơn 15 tỷ đồng, con tàu của anh cũng đã bị ngân hàng tịch thu.
Không chỉ Hồng mà hàng trăm ngư dân ở vùng biển miền Trung đều đang nợ nần chồng chất, như sự thừa nhận của chính quyền địa phương và Trung ương trong các hội thảo gần đây.
Liệu có bao giờ gỡ được thẻ vàng?
Giải pháp cho môi trường biển hiện gắn liền với nỗ lực gỡ thẻ vàng bằng mọi giá của Chính phủ, điều mà giờ đây trở thành nhiệm vụ chính trị từ Trung ương đến địa phương của Việt Nam. Năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, dứt khoát đến hết năm 2021 phải gỡ bỏ thẻ vàng IUU. Nhiệm vụ này càng bị sức ép bởi những thiệt hại kinh tế mà ngành đánh bắt đang phải hứng chịu. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), án phạt của EC đã khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. Kể từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ hai xuống vị trí thứ tưtrong các thị trường nhập khẩu của Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Nếu chiếc thẻ phạt chuyển sang màu đỏ, khi ấy ngành thủy sản Việt Nam bị thiệt hại 573 triệu USD Mỹ mỗi năm, theo một báo cáo do VASEP phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện.
Trước thẻ vàng IUU, các quy định kiểm soát đánh bắt của Việt Nam dù tồn tại trên văn bản pháp luật nhưng dường như vắng bóng trên thực tế. Mãi đến năm 2019, trong nỗ lực gỡ bỏ nó, Chính phủ đã siết chặt hơn quy định quản lý hoạt động đánh bắt của tàu cá như: yêu cầu gắn máy định vị để cơ quan chức năng giám sát hành trình của tàu, tăng mức phạt tiền lên 1 tỷ đồng đối với các hành vi vi phạm – gấp 10 lần so với trước đây. Ngoài ra, các tàu cá vi phạm còn bị tịch thu phương tiện, hải sản khai thác, tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác từ 6-12 tháng và cắt các khoản hỗ trợ mỗi chuyến biển.
Nhưng theo các chuyên gia, nguồn lực cảnh sát biển Việt Nam và các cơ quan chuyên trách quá mỏng để kiểm soát các hoạt động đánh bắt của ngư dân. Nhận xét này có thể được minh họa bằng lời kể của thuyền trưởng Thành: “Chủ tàu phải ký cam kết chỉ đánh bắt trong vùng biển Việt Nam bằng ngư cụ hợp pháp. Nhưng việc tuân thủ hay không là tùy mỗi người. Tôi biết nhiều người vi phạm nhưng họ vẫn không bị phạt”. Ban đêm trên biển Phú Quốc, thuyền trưởng này thỉnh thoảng vẫn nghe thấy tiếng mìn nổ khai thác cá.
“Ngư dân có nhiều cách để che giấu cơ quan chức năng. Họ sợ bị bắt, bị phạt nhưng cũng sợ bị đói, mắc nợ”, Thành cho biết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính sách không nên tập trung vào chế tài mà cần phải hướng đến bảo tồn nền sinh thái và chuyển đổi sinh kế cho ngư dân. Nếu không, trong lằn ranh mưu sinh, những con tàu được khuyến khích ra khơi vẫn sẽ rơi vào “bước đường cùng” liều mình chạy sang vùng biển khác, đánh bắt bằng các hình thức tận diệt. Cơ hội cho hệ sinh thái biển Đông của Việt Nam phục hồi mà cũng chính là tương lai của ngư dân sẽ càng mờ mịt và vô vọng.
Điều cần làm, theo ông Vũ Thanh Ca, là phải giảm tần suất các hoạt động đánh bắt trên biển bằng việc giới hạn thời gian khai thác trong năm và tăng diện tích khu vực bảo tồn đa dạng sinh học trên biển, đặt ra những khu vực cấm đánh bắt để ngư trường có cơ hội phục hồi.
Ông Ca cũng cho rằng, trước mắt, phải giảm ngay số lượng tàu đóng mới ở mỗi địa phương, đồng thời có kế hoạch chuyển đổi nghề cho ngư dân. Theo TS. Vũ Kế Nghiệp, chuyên nghiên cứu các hoạt động khai thác thủy sản, Đại học Nha Trang, rào cản lớn nhất là đa số ngư dân có trình độ học vấn thấp. Báo cáo của Liên Hợp Quốc về Môi trường công bố năm 2019 ước tính có 70% người dân ở các cộng đồng này chỉ học hết tiểu học, và dưới 1% đã tốt nghiệp các trường dạy nghề hoặc đại học.
“Chúng ta chỉ có thể hy vọng vào thế hệ tương lai. Trường Đại học Nha Trang đã tổ chức các chương trình học tập cho con em ngư dân. Tôi hy vọng, thế hệ này sẽ đi trên những con tàu hiện đại, am hiểu luật pháp và môi trường”, ông Nghiệp nói.
Nhưng rủi ro và bấp bênh của nghề biển lại không đủ sức níu chân người trẻ. Tàu thuyền lớn hơn, hiện đại hơn, nhiều hơn nhưng “thế hệ ngư dân tương lai” có lẽ sẽ thưa thớt đi. Giờ đây ở làng quê của Hồng, hầu như chỉ còn những người trạc tuổi anh bám biển. Còn với Thành, những chuyến ra khơi ngày càng chật vật khi “tìm đỏ mắt mới có ai chịu làm ngư phủ”.
Về phần Tư, mỗi ngày trôi qua, sự tuyệt vọng càng lớn dần, ông sợ sẽ bị mắc kẹt trong nhà giam xứ người vĩnh viễn.
“Một ngày nào đó, nếu ra được khỏi đây và về Việt Nam, tôi sẽ không làm ngư dân nữa. Tôi sợ nhìn thấy biển và những con tàu”, người ngư dân già ngồi bó gối sau song sắt nói.