Rú Lịnh tuy nằm ở đồng bằng, thực vật sinh trưởng trên đất đỏ ba-zan nhưng có nhiều loài quý hiếm. Khu rừng này đóng vai trò như “lá phổi xanh” của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị với hệ động thực vật phong phú, đa dạng
Rừng nguyên sinh Rú Lịnh rộng gần 100 ha, nằm giữa 2 xã Hiền Thành và Vĩnh Hòa của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Giữ nguyên cấu trúc
Rú Lịnh nằm ở phía Đông huyện Vĩnh Linh, chỉ cách biển chừng 3 km theo đường chim bay. Đây là khu rừng được nhiều thế hệ người dân ở 2 xã Hiền Thành và Vĩnh Hòa gìn giữ, bảo vệ.
Ông Nguyễn Đình Trọng (ngụ thôn Hòa Bình, xã Hiền Thành) lý giải sở dĩ khu rừng này có tên Rú Lịnh là bởi người địa phương thường gọi rừng rậm là rú và ở đây có rất nhiều cây lịnh – một loài họ tre, thân nhiều nước, to bằng ngón chân cái. Từ cuối những năm 1970, Rú Lịnh được giao cho một số người dân địa phương bảo vệ, trong đó có ông Trọng.
Gần 45 năm tham gia giữ rừng, ông Trọng thuộc nằm lòng mọi ngóc ngách, từng gốc cây quý ở Rú Lịnh. Ông cũng như nhiều người địa phương luôn tâm niệm giữ rừng Rú Lịnh không phải cho ai khác mà là cho chính mình, cho con cháu đời sau.
Theo ông Trọng, trong thời gian kháng chiến chống Pháp, Rú Lịnh là nơi an toàn. Người dân quanh vùng thời ấy vào đây để tránh địch đi càn và lập “chợ kháng chiến” nhằm trao đổi, mua bán sản vật địa phương. Đến thời chống Mỹ, Rú Lịnh thành nơi che chở cho bộ đội tránh các cuộc oanh tạc của máy bay địch.
“Đến nay, dấu tích chiến tranh để lại là nhiều hố bom giữa rừng. Cũng bởi hứng nhiều bom đạn thời chiến tranh nên nhiều cổ thụ ở Rú Lịnh gãy đổ, nhiều loài thú lớn như hổ, báo, hươu, nai… mất dần dấu vết” – ông Trọng tiếc nuối.
Rừng nguyên sinh Rú Lịnh không vì vậy mà thay đổi cấu trúc. Trong rừng vẫn còn nhiều loài cây quý như lim, sến, vàng trâm, tàu tàu, trầm dó, dẻ, trám, đe… Động vật trong rừng chủ yếu là chim, sóc, cầy hương và các loài chồn, cáo… Điều đặc biệt là rừng nguyên sinh Rú Lịnh có quần thể gụ lau (gõ) quý hiếm sinh sống. Trong đó, cây lớn nhất đến vài người ôm, thân cao hàng chục mét. Gụ lau phân bố từ lõi rừng kéo ra tận bìa rừng.
Đến nay, bao quanh rừng nguyên sinh Rú Lịnh là khu dân cư đông đúc. Những năm qua, ở đây xảy ra một số vụ tác động xấu đến rừng nhưng không đáng kể.
“Khu rừng này có vai trò rất quan trọng với đời sống người dân địa phương, giúp điều hòa khí hậu một tiểu vùng. Vào mùa hè, nguồn nước ngầm hạ thấp nhưng khu vực này luôn đủ nước. Nhờ cánh rừng nguyên sinh này mà bao năm qua, hàng trăm hecta lúa của 2 xã Hiền Thành và Vĩnh Hòa luôn đủ nước tưới tiêu, đời sống người dân được bảo đảm” – ông Trọng cho biết.
Tiềm năng chưa được đánh thức
Theo ông Đoàn Văn Phi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Linh, đến nay, chưa có đơn vị nào công bố số liệu chính thức về tính đa dạng sinh học ở Rú Lịnh. Tuy nhiên, Rú Lịnh được đánh giá có mật độ rừng dày, vừa mang giá trị về đa dạng sinh học vừa giá trị về môi trường, môi sinh.
Ông Phi nhận xét: “Một khu rừng rộng cả trăm hecta gần như là nguyên sinh nằm giữa đồng bằng, lại trên đất đỏ ba-zan là điều rất hiếm có. Hơn nữa, ở đây còn có các loài cây thuộc nhóm I, II quý hiếm, luôn được người dân bảo vệ nghiêm ngặt”.
Ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, khẳng định Rú Lịnh là khu rừng tồn tại lâu đời, gắn bó mật thiết với đời sống người dân 2 xã Hiền Thành, Vĩnh Hòa. Không những người dân mà chính quyền địa phương cũng mong muốn Rú Lịnh luôn được gìn giữ, bảo vệ nguyên trạng.
Những năm qua, Rú Lịnh được giao cho một công ty khai thác du lịch sinh thái. Tuy nhiên, đến nay, vì nhiều lý do, dự án này vẫn chưa được triển khai. Tiềm năng du lịch của Rú Lịnh vì thế chưa được đánh thức.
Theo ông Thành, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư muốn khai thác tiềm năng du lịch sinh thái của Rú Lịnh để kết nối với các địa điểm du lịch khác trên địa bàn như địa đạo Vịnh Mốc, bãi biển Cửa Tùng, đôi bờ Hiền Lương. Huyện Vĩnh Linh đang xây dựng đề án phát triển thương mại, du lịch trên địa bàn, trong đó tập trung vào rừng nguyên sinh Rú Lịnh.
“Huyện kỳ vọng Rú Lịnh được đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái để kết nối với các điểm du lịch khác. Từ đó, góp phần quảng bá du lịch địa phương và tạo công ăn việc làm cho người dân. Việc chưa triển khai đầu tư, khai thác xứng tầm Rú Lịnh như hiện nay khiến người dân rất trăn trở” – ông Thành nhìn nhận.
Nhiều cây quý bị chết khô Cuối tháng 2 vừa qua, ông Trọng dẫn chúng tôi vào Rú Lịnh để tận mắt thấy nhiều cây quý như gụ lau, trâm, bài lài… bị chết khô, không rõ lý do. Không những gỗ quý mà ngay cả loài lịnh đặc trưng cũng tàn lụi dần. Ông Trọng bày tỏ mong muốn ngành chức năng sớm kiểm tra, nghiên cứu các biện pháp để “cứu” rừng nguyên sinh này. Ông Đoàn Văn Phi xác nhận ở Rú Lịnh có xảy ra tình trạng trên. “Một số loài phát triển, lấn át quá mức, như dây leo, dẫn đến một số cây rừng chết. Hiện vẫn chưa có biện pháp gì để can thiệp vì đây là rừng đặc dụng” – ông Phi băn khoăn. |