Ngày 3/3, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP), Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres khẳng định, UNEP đã mang đến cho thế giới một tương lai khởi sắc và Trái đất tốt hơn, khỏe mạnh hơn được xây dựng trên các trụ cột của hợp tác quốc tế.
4 mục tiêu bảo vệ sự sống trên Trái đất
Chỉ ra các vấn đề về khí hậu, mất đa dạng sinh học và môi trường sống cũng như ô nhiễm và chất thải đe dọa xã hội và sự sống trên Trái đất, ông Guterres cho rằng, nhân loại đang tiếp tục đẩy mình vào “cuộc chiến chống lại thiên nhiên”.
Để giải quyết vấn đề này, quan chức hàng đầu của LHQ đã đặt ra 4 mục tiêu, trước hết cần bảo vệ hàng tỷ người dễ bị tổn thương nhất. Theo ông, cần mở rộng hợp tác quốc tế để hỗ trợ tài chính và kỹ thuật mà các quốc gia và cộng đồng dễ bị tổn thương cần để có khả năng phục hồi cao hơn, đồng thời, kêu gọi các nhà tài trợ và các ngân hàng phát triển đa phương tăng ít nhất gấp đôi nguồn tài chính cho thích ứng vào năm 2024.
Ngoài ra, người đứng đầu LHQ nhấn mạnh, thế giới phải cắt giảm 45% lượng khí thải toàn cầu trong thập kỷ này để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này có nghĩa là không sản xuất than mới và không có các khoản tài chính về than.
Tại Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) ở Anh vào năm ngoái, ông Guterres đã rất phấn khởi trước tuyên bố của Nam Phi về quan hệ đối tác năng lượng tái tạo. Ông kêu gọi tất cả các quốc gia đã cam kết loại bỏ than và cần hỗ trợ công nghệ và tài chính sẽ thành lập các quan hệ đối tác tương tự.
Ông nói: “Năm 2030, cần phải loại bỏ dần than đá ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và loại bỏ ở mọi nơi khác vào năm 2024. Mọi lĩnh vực ở mọi quốc gia cần phải khử carbon trong thập kỷ này, đặc biệt là năng lượng và giao thông vận tải”.
Đồng thời, Tổng Thư ký LHQ cũng cho rằng, cần chấm dứt cuộc khủng hoảng tuyệt chủng và xây dựng khuôn khổ đa dạng sinh học đầy tham vọng và có thể hành động sau năm 2020 để giúp con người sống hài hòa với thiên nhiên.
Bên cạnh đó, cần giảm mạnh ô nhiễm hóa chất, nhựa và chất thải rắn. Để làm được như vậy, cần giải quyết các nguyên nhân gây suy thoái môi trường, đặc biệt là nghèo đói và tiêu dùng và sản xuất không bền vững.
UNEP thúc đẩy hành động và quan hệ đối tác đa phương
Người đứng đầu LHQ cho biết: “Năm 1972, khi UNEP được thành lập, hành tinh này đã có dấu hiệu chênh vênh dưới sức nặng của con người. Trong những thập kỷ tiếp theo, UNEP và các đối tác sẽ phối hợp với các Quốc gia Thành viên của LHQ chống ô nhiễm không khí, phục hồi tầng ozone, bảo vệ các vùng biển trên thế giới, thúc đẩy nền kinh tế xanh và bao trùm, đồng thời tăng cường báo động về tình trạng mất mát đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu”.
Ông Guterres đánh giá cao việc UNEP có thể mang lại các giải pháp giúp bảo vệ con người và hành tinh. Các hoạt động khoa học, chính sách, điều phối và vận động của UNEP đã giúp khắc phục những vấn đề về môi trường trên toàn thế giới và nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của môi trường đối với sự phát triển bền vững.
Theo ông Guterres, chúng ta cần áp dụng khoa học và tham gia vào các hành động đa phương để hòa hợp với thiên nhiên. UNEP đã hỗ trợ khoa học và tạo điều kiện cho các hành động và quan hệ đối tác đa phương.
Tổng Thư ký LHQ cảnh báo: “Chúng ta đã gần đến điểm không thể quay lại, do đó, cần nắm bắt cơ hội hành động theo chủ nghĩa đa phương tích cực, cởi mở và có mạng lưới”. Ông cũng khẳng định, tất cả các quốc gia đều có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ con người và hành tinh.