Các nhà khoa học từ Đại học Melbourne ở Australia đang lên kế hoạch hồi sinh loài hổ Tasmania đã tuyệt chủng từ lâu – được nhìn thấy lần cuối cách đây gần 100 năm.
Theo Science Times, hổ Tasmania, còn được gọi là thylacines hay chó sói Tasmania, là một loại thú có túi đã tuyệt chủng ở đại lục Australia khoảng 3.000 năm trước, nhưng vẫn còn tồn tại ở Tasmania cho đến khi những người định cư Châu Âu xóa sổ chúng bằng cách săn bắn. Con hổ Tasmania cuối cùng chết trong điều kiện nuôi nhốt vào năm 1936.
Hổ Tasmania có nhiều đặc điểm giống với chó hoang ngày nay ở Australia. Chúng có các sọc nổi bật như ngựa vằn. Loài vật này là kẻ săn mồi đỉnh cao trong suốt thời gian tồn tại và giúp cân bằng hệ sinh thái nơi chúng sinh sống.
Ngày 1.3, các nhà khoa học từ Đại học Melbourne đã công bố thành lập Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Phục hồi Di truyền Tích hợp Thylacine (TIGRR) với số tiền tài trợ lên tới 3,6 triệu USD. Phòng thí nghiệm nghiên cứu đẳng cấp thế giới được thiết kế nhằm mục đích hồi sinh hổ Tasmania và bảo tồn thú có túi.
Giáo sư Andrew Pask từ trường đại học thông tin, nguồn tài trợ hào phóng đã mang lại cho họ cơ hội phát triển các công nghệ có khả năng hồi sinh những loài đã mất. Ông đề xuất 9 bước quan trọng để hồi sinh chúng, bao gồm xác định trình tự gene. Khoản tài trợ sẽ cho phép họ tiến tới nâng cao hiểu biết về bộ gene của hổ Tasmania, phát triển các kỹ thuật sử dụng tế bào thú có túi để tạo phôi và chuyển nó sang động vật thay thế.
Giáo sư Pask nói với Newsweek rằng, sự tâm huyết mà họ dành cho dự án này có thể giúp họ tạo ra một tế bào giống hổ Tasmania trong vòng 10 năm. Nhóm của ông đã giải mã bộ gene của hổ Tasmania vào năm 2017, giúp vạch ra bản thiết kế DNA của loài vật và cung cấp một bước quan trọng đầu tiên trên con đường đưa chúng trở lại cuộc sống.