UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản yêu cầu sớm triển khai mô hình du lịch thân thiện với voi để hướng đến việc chấm dứt dịch vụ cho du khách cưỡi voi.
Ngày 2-3, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý thông tin phản ánh của báo chí vụ việc voi bị hành hạ, cõng khách du lịch và đề xuất phương án đối với các dịch vụ liên quan đến voi nhà trong thời gian tới.
Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện Lắk và Buôn Đôn, các đơn vị kinh doanh du lịch có sử dụng voi, các tổ chức, cá nhân sở hữu voi theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ đạo của tỉnh trong việc quản lý và sử dụng voi nhà.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị khẩn trương hoàn thành phương án mô hình sản phẩm “Du lịch thân thiện với voi” ngay trong năm 2022. Thống kê số lượng voi nhà và hộ có voi trên địa bàn tỉnh nhằm báo cáo, đề xuất UBND tỉnh về phương án hỗ trợ kinh phí cho người dân (theo hàng tháng, quý, năm) để hạn chế tối đa và hướng tới không tổ chức dịch vụ du lịch cưỡi voi.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng giao UBND các huyện Lắk, Buôn Đôn, Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, Trung tâm bảo tồn voi, các tổ chức, cá nhân có voi và sử dụng dịch vụ voi, tổ chức xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới liên quan đến voi có thu phí phục vụ khách du lịch. Ví như, voi chào khách, voi tắm, vòi phun nước, cho voi ăn…
UBND huyện Buôn Đôn và huyện Lắk triển khai cho các tổ chức, cá nhân có sử dụng voi trong hoạt động kinh doanh du lịch ký cam kết và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm các quy định của tỉnh trong việc quản lý và sử dụng voi nhà trong hoạt động kinh doanh du lịch, văn hóa.
Các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn việc mua bán hàng hóa, đồ lưu niệm, đồ trang sức, đồ mỹ nghệ liên quan đến động vật hoang dã, trong đó có voi tại các khu, điểm du lịch và trên địa bàn tỉnh…
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, 1 du khách đến Đắk Lắk đã đăng tải bài viết trên mạng xã hội cho rằng chứng kiến cảnh voi bị hành hạ, oằn mình cõng khách du lịch.
Theo bài viết, ở huyện Lắk mỗi nhân viên hướng dẫn voi đều cầm 1 cây gậy với phía đầu là móc sắt nhọn dùng để móc vào tai và đầu voi điều hướng đi và “răn” chúng. Đầu con nào cũng chằng chịt những vết thương cũ và mới… Còn ở Bản Đôn, ngày Tết có tổng cộng 6 con voi, chúng làm việc từ 8 giờ đến 17 giờ và chỉ nghỉ 30 phút giữa trưa với tần suất khách tới thăm hằng ngày lên đến vài ngàn người, người chờ để được cưỡi voi thì xếp hàng dài. Bài viết kèm theo những hình ảnh chân thực về những vết thương trên đầu voi đang chảy máu đã được các trang mạng xã hội chia sẻ rầm rộ.
Tuy nhiên, chủ voi giải trình rằng khi di chuyển trong rừng không may bị cây đâm. Còn Trung tâm Du lịch Buôn Đôn, thừa nhận khi đưa voi vào phục vụ khách đã sơ suất không kiểm tra, giám sát kỹ tình hình sức khỏe của voi nên không phát hiện vài vết thương nhỏ rỉ máu trên đầu voi. Trung tâm Du lịch Buôn Đôn xin nhận trách nhiệm và rút kinh nghiệm sâu sắc.