Sau khi đăng tải bài viết “Gia Lai: Hàng trăm lò than trái phép, ngày đêm thải khói nguy hại ra môi trường”, PV tiếp tục ghi nhận thêm nhiều điểm sai phạm, đồng thời nhận được sự phản hồi từ cơ quan chức năng.
Lò than hoạt động trái phép… khó xử lý?
Như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã phản ánh, các địa phương có số lò than hoạt động nhiều như xã Al Bá, xã Kông Htok của huyện Chư Sê; xã Hòa Phú, Nghĩa Hòa, Tân Sơn, Chư Đăng Ya của huyện Chư Păh; xã Ia Tô, Ia Dêr, Ia Găng thuộc huyện Ia Grai; xã Ia Vê, Ia Me, Ia Ga, Ia Phìn, Ia Pia và thị trấn Chư Prông thuộc huyện Chư Prông. Thì mới đây, PV tiếp tục ghi nhận thêm nhiều điểm xây dựng lò than không phép trên diện tích đất lúa, đất trồng cây lâu năm và đặc biệt nguy hại là nhiều lò than ngày đêm thải khói vào khu dân cư, trường học.
Cụ thể, cụm lò than tại thôn 3, xã Ia Tô, huyện Ia Grai với 5 lò hoạt động liên tục suốt nhiều năm qua. Theo ghi nhận, cụm lò than này nằm cách trục đường tỉnh 664 hơn 30m, cách trụ sở UBND xã Ia Tô khoảng 1,5km. Tại thời điểm ghi hình (trong các ngày 15 đến 20/2), lượng khói thải từ lò than bay ra ngoài rất nhiều, trực tiếp ảnh hưởng từ làn khói nguy hại này là cụm dân cư làng Del (cách cụm lò than khoảng 450m).
Gần cụm lò than trên là điểm trường có 2 lớp học với 30 học sinh/ buổi đang theo học tại đây, những giáo viên, học sinh mỗi ngày đến lớp sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe bởi khói thải từ lò đốt than củi?
Tương tự, cụm lò than tại thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông gồm 8 lò ngay khu vực bãi rác ngày đêm rực cháy, nung nóng hàng chục tấn gỗ (là thân, cành của cây cà phê) trong thời gian dài mới cho ra được những mẻ than đạt yêu cầu.
Việc đốt củi để lấy than trong thời gian dài phát sinh lượng khói nguy hại trong không khí, những hộ dân sinh sống gần các lò than sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe? Chính quyền địa phương các huyện Ia Grai, Chư Prông và cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai có biết và kiểm tra, xử lý tình trạng hoạt động trái phép của các lò than hay không?
Để có được câu trả lời trên, PV đã tìm gặp lãnh đạo một số địa phương và đơn vị quản lý trong lĩnh vực môi trường nơi có các lò than trái phép đang hoạt động.
Ông Huỳnh Trọng Quang – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh cho biết: Việc đốt than gây ô nhiễm môi trường tại làng Ring và thôn 9 đã được Xã nhiều lần lập biên bản, xử phạt hành chính và chủ lò cam kết đốt hết nguyên liệu đã mua sẽ dừng. Tuy nhiên, đến nay vẫn nhận được phản ánh của người dân. Trong tuần này Xã tiếp tục kiểm tra và sẽ có chế tài mạnh với việc tái phạm của các lò than.
Về phía huyện Chư Păh, qua theo dõi và nhận được nguồn tin phản ánh các lò đốt than tự phát, có nơi sử dụng củi rừng tự nhiên, vi phạm các quy định về đất đai, lâm nghiệp, môi trường. Phòng TN&MT đã có văn bản gửi đến các địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm theo thẩm quyền. Đồng thời, chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu có các vi phạm xảy ra mà không kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định.
Tại huyện Chư Prông, ông Trần Hiếu- Chủ tịch thị trấn Chư Prông cho biết: lò than hoạt động trên địa bàn và không đảm bảo các quy định là đúng, việc quản lý của chính quyền chưa chặt chẽ. Chúng tôi sẽ kiểm tra, tham mưu cấp trên để có hướng xử lý tốt nhất trong thời gian gần. Cùng với đó sẽ tuyên truyền để các hộ dân sinh sống bằng nghề đốt than chấp hành đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Nói về tình hình chung hoạt động của các lò than trên địa bàn huyện Chư Prông, ông Phạm Vũ Tú – Phó Chủ tịch UBND huyện, cho rằng: Sau khi báo chí phản ánh về hoạt động đốt than không đúng quy định tại một số xã trên địa bàn, huyện đã chỉ đạo Phòng TN&MT thành lập đoàn thanh tra và có biện pháp xử lý đối với các điểm đốt than trái phép, kiên quyết xử lý các lò than sử dụng cây rừng làm nguyên liệu.
Riêng việc sử dụng củi rừng được PV phản ánh về cụm lò than tại xã Hòa Phú, huyện Chư Păh, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Chư Păh cho biết: Ngay khi nhận được phản ánh lò than sử dụng cây rừng đốt than, lực lượng đã phối hợp kiểm tra, tuy nhiên phía chủ lò có xuất trình các giấy tờ chứng minh cây được mua lại trong rẫy của dân. Việc này pháp luật cho phép nên chưa thể xử lý. Chúng tôi đã yêu cầu chủ lò ký biên bản, cam kết không sử dụng củi rừng để đốt than.
Tương tự, cụm lò than tại xã Ia Vê (huyện Chư Prông), tại thời điểm PV ghi nhận, có nhiều loại cây rừng được cưa xẻ, chất lớp lớp vào lò than chờ đốt, nhưng khi hỏi về nguồn gốc những người có chức trách cho rằng đó là cây chủ lò mua từ rẫy của các hộ dân, có giấy viết tay giữa 2 bên?
Lò than giữa phố, cạnh trung tâm y tế xã vẫn được hoạt động
Trái ngược các xã vùng xa, nơi cư dân còn thưa thớt, thì ngay tại TP. Pleiku, có 1 cụm lò đốt than củi hoạt động gần khu dân cư đông đúc (vị trí lò cách khu dân cư gần nhất khoảng 300m), cách trụ sở UBND phường Chi Lăng khoảng 1,5km. Cụm lò này có 4 lò thủ công, được xây dựng vật liệu gạch, vị trí khu đất được xây dựng là đất trồng cây lâu năm, chất đốt phần lớn là cây cà phê già cỗi. Khi tiếp xúc với người đứng canh đốt lò than, một người cho biết: chủ của lò than này tên Tính, ông chủ lò có nói với nhiều người của tỉnh rồi?
Đặt vấn đề lò than hoạt động có đúng quy định hay không với lãnh đạo phường Chi Lăng, sau khi hỏi các cán bộ chuyên trách quản lý về địa chính, xây dựng, lãnh đạo UBND phường cho biết: Trước kia có cụm lò than hoạt động không phép đã bị xử phạt, yêu cầu phá dỡ, riêng với các lò mới hoạt động Phường vẫn chưa nắm rõ. Chúng tôi sẽ kiểm tra và thông tin rõ hơn với báo chí.
Lò than xây dựng trên đất trồng cây lâu năm, gần UBND, cạnh trường học hay gần rừng tự nhiên đã được phản ánh. Riêng với cụm 6 lò đốt than củi tại thôn Plei Pông, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện được xây dựng ngay giữa cánh đồng, cách các điểm trường học, trung tâm y tế xã và UBND xã Chư A Thai chưa đầy 800m, cách khu dân cư gần nhất khoảng 600m.
Cụm lò than này được xây dựng rất lớn, mỗi hầm lò sau 1 tháng liên tục đỏ lửa, có thể cho ra 12-15 tấn than củi. Để hạn chế lượng khói thải từ việc đốt than bay cao, chủ lò cho dựng chòi và phủ bạt vừa che mưa, nắng và phần để hạn chế khói phát tán lên cao.
Việc hoạt động rầm rộ và gần khu dân cư, điểm trường học, trạm y tế là vậy nhưng chính quyền các cấp nơi đây có kiểm tra và lò than hoạt động đúng theo quy định của pháp luật hay không?
Hàng trăm lò than hoạt động ồ ạt trên địa bàn tỉnh Gia Lai là vậy, tuy nhiên việc kiểm tra, xử lý của các cấp chính quyền địa phương còn “nhỏ giọt”, thậm chí những lò than đốt cây rừng trở thành than củi cũng không thể xử lý?
Để đảm bảo sức khỏe của cộng đồng và cây rừng không bị mất bởi việc đốt than củi, đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện kịp thời xử lý và ngăn chặn tình trạng trên, đồng thời có hướng dẫn để các hộ dân mưu sinh từ nghề đốt than củi hoạt động đúng pháp luật.
PV Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.