Ngày 3.3 là “ngày động vật, thực vật hoang dã thế giới”, tỉnh Quảng Nam cùng nhiều địa phương đã tổ chức mít tinh, phát động phong trào khôi phục hệ sinh thái, khôi phục động vật hoang dã… Nhưng đó đây, vẫn còn nhiều người dân phải đi tù cả chục năm vì buôn bán vài cá thể động vật quý hiếm…
Ngày 3.3, UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT, Dự án “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học” do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ và Ban Quản lý Dự án Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày động, thực vật thế giới năm 2022”.
Đại diện lãnh đạo Hợp phần Bảo Tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Hợp tác phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) – đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) cho biết, từ năm 1985, WWF bắt đầu hỗ trợ xây dựng chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, WWF hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, Bộ NN&PTNT trong nhiều lĩnh vực về bảo tồn động vật hoang dã, bảo vệ hệ sinh thái, môi trường trên khắp cả nước.
Hưởng ứng ngày động, thực vật hoang dã thế giới, WWF Việt Nam thực hiện hàng loạt các sự kiện ở các địa bàn dự án gồm lễ ký kết bảo vệ động vật hoang dã với sự tham gia của đại diện các nhà hàng, doanh nghiệp tư nhân tại Quảng Nam, Quảng Trị, Lâm Đồng. Các đoàn diễu hành xe đạp cũng được tổ chức tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam và Vườn quốc gia Cát Tiên nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng và lan tỏa các thông điệp vể bảo vệ đa dạng sinh học.
Dự án cũng tổ chức tọa đàm trên truyền hình và phát động cuộc thi ảnh về động vật hoang dã trong năm 2022, nhằm tăng cường sự cam kết của các ban, ngành và sự tham gia của người dân trong việc bảo vệ động, thực vật hoang dã, và chấm dứt tiêu thụ trái phép sản phẩm từ động vật hoang dã, đặc biệt là thịt thú rừng và chim hoang dã…
Những hoạt động mít tinh, diễu hành hết sức rầm rộ, quy mô… như thế này rất tiếc diễn ra ít, chỉ tập trung ở các đô thị. Trong khi đó, việc tác động trực tiếp vào rừng, xâm hại hệ sinh thái tự nhiên, bắt giết động vật hoang dã lại xảy ra chủ yếu ở khu vực miền núi.
Mới đây, ngày 27.1.2022, TAND huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) đã tuyên phạt Trần Văn Ngọc (sinh năm 1987, trú tại xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei) mức án đến 10 năm tù chỉ vì vận chuyển trái phép 63 cá thể rùa đầu to. Trần Văn Ngọc đã bị bắt từ tháng 6.2021 khi đang vận chuyển số rùa mà Ngọc đã mua lại từ một người dân săn bắt tại Lào.
Trước đó, đã xảy ra một trường hợp tương tự, tháng 9.2018, TAND huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã xét xử và tuyên phạt Cao Xuân Nai 10 năm tù giam vì tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” khi vận chuyển 27 cá thể rùa đầu to.
Buôn bán hoặc tiêu thụ vài cá thể động vật hoang dã để rồi phải lãnh mức án 10 năm tù là hết sức nghiệt ngã đối với phạm nhân. Nếu được tuyên truyền, được hiểu biết cặn kẽ pháp luật, tin chắc không người dân nào dám đánh đổi như vậy.
Hưởng ứng ngày động vật, thực vật hoang dã thế giới bằng lễ mít tinh, diễu hành là đáng ghi nhận, nhưng tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, thường xuyên trong cộng đồng dân cư, nhất là khu vực miền núi là hết sức cần thiết. Góp phần thiết thực bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm, nhưng đồng thời tránh được những mức án tù nghiệt ngã cho dân nghèo miền núi.