200 quốc gia đồng thuận với hiệp định pháp lý để “làm sạch hành tinh”

Mới đây, Liên Hợp Quốc nhất trí khởi động đàm phán hiệp ước quốc tế đầu tiên về ô nhiễm rác thải nhựa. Các quốc gia ủng hộ đến năm 2024 sẽ hoàn thiện một hiệp định về rác thải nhựa mang tính ràng buộc pháp lý.

Ngày 2/3, gần 200 quốc gia dự Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) ở thủ đô Nairobi của Kenya đã đồng thuận thành lập một ủy ban liên chính phủ để đàm phán và đến năm 2024 sẽ hoàn thiện một hiệp định về rác thải nhựa mang tính ràng buộc pháp lý.

Phát biểu trước đại diện các nước, Chủ tịch UNEA Espen Barthe Eide gọi đây là “thời khắc lịch sử rất đáng để tự hào.”

Các nhà đàm phán sẽ thảo luận để tìm ra các biện pháp nhằm ngăn chặn rác thải nhựa ở mọi dạng thức, không chỉ là chai nhựa và ống hút nhựa thải ra đại dương mà các những hạt vi nhựa có trong không khí, đất và chuỗi thức ăn.

Hiệp định sẽ bao quát toàn bộ vòng đời của mọi vật chất làm bằng nhựa và có thể bao gồm những quy định mới về sản xuất, tái thiết kế sản phẩm để thuận tiện hơn cho việc tái sử dụng, dùng lâu bền và phân hủy tốt hơn.

Phải thay đổi tư duy về vòng đời của các sản phẩm làm từ nhựa. (Ảnh: WWF)

Ủy ban trên sẽ cho phép thảo luận về các biện pháp ràng buộc hoặc tự nguyện, tạo cơ hội đàm phán về các mục tiêu và nghĩa vụ toàn cầu, phát triển các kế hoạch hành động quốc gia, các cơ chế theo dõi quá trình thực hiện và đảm bảo quy trách nhiệm đầy đủ. Trong đó, các nước nghèo cần được hỗ trợ về tài chính để hành động.

Khung hiệp ước đã được các nước thông qua, trong đó có những nước thải nhựa lớn như Mỹ và Trung Quốc. Các chính sách cụ thể sẽ được thảo luận chi tiết trong thời gian tới, với các vòng đàm phán đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm nay.

Báo cáo của OECD cho biết nhựa góp phần sản sinh ra 3,4% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu trong năm 2019, trong đó 90% là từ hoạt động sản xuất nhựa từ nhiên liệu hóa thạch.

Ngày 24/2, Tổng Giám đốc Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) Inger Andersen đã kêu gọi các nước trên thế giới đoàn kết để đạt được một hiệp ước đầy tham vọng liên quan đến việc sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa và xử lý rác thải nhựa, nhấn mạnh cần nắm bắt “cơ hội hiếm có” này để làm sạch hành tinh cho các thế hệ tương lai.

Trao đổi với hãng tin AFP, bà Andersen cho biết nhựa đã trở nên phổ biến đến mức chúng được tìm thấy bên trong cơ thể những con cá ở những khu vực sâu nhất của đại dương hay lơ lửng trong không khí mà con người hít thở.

Dù còn quá sớm để suy đoán về các chi tiết cụ thể của hiệp ước, song bà Andersen nhấn mạnh rằng việc cố gắng hạn chế nhựa mà không giải quyết tận gốc nguyên nhân là điều “vô ích.”

Người đứng đầu UNEP cho rằng việc xác lập các mục tiêu ràng buộc và một khuôn khổ chung sẽ đảm bảo một sân chơi bình đẳng để tạo lòng tin cho các quốc gia và tập đoàn.

Các nguyên tắc toàn cầu trước đây đã loại bỏ dần thủy ngân và các chất làm suy giảm tầng ozon từng phổ biến trong các mặt hàng gia dụng. Điều này chứng tỏ có thể đạt được sự đồng thuận xuyên biên giới và thúc đẩy sự thay đổi trên toàn nền kinh tế.

Nguồn:
Nguyễn Linh /Kinh tế và Môi trường