Trong công cuộc nghiên cứu những vùng biển dưới lớp băng Nam Cực, các nhà khoa học Nhật Bản đã phải nhờ tới sự giúp đỡ của những chú hải cẩu.
8 con hải cẩu Weddell với thiết bị giám sát nặng 580g trên đầu đã giúp các nhà nghiên cứu Nhật Bản rất nhiều trong công cuộc khảo sát vùng nước dưới lớp băng dày ở Nam Cực, CNA đưa tin.
Được khai thác cho một dự án nghiên cứu mùa đông ở Nam Cực từ tháng 3 đến tháng 11.2017, những con hải cẩu này được trang bị cảm biến độ đục, nhiệt độ và độ sâu gắn trên đầu để giúp các nhà khoa học thu thập dữ liệu như nhiệt độ nước và nồng độ muối ở những khu vực có điều kiện môi trường vô cùng khắc nghiệt.
Trưởng dự án Nobuo Kokubun cho biết nghiên cứu này giúp các nhà khoa học biết thêm về các mô hình hành vi và hệ sinh thái của động vật.
“Vào mùa hè, chúng tôi có thể đến Nam Cực trên tàu phá băng để tiến hành các hoạt động nghiên cứu thực tế. Nhưng trong mùa đông, những việc như vậy không phải lúc nào cũng có thể thực hiện”, ông Kokubun nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.
“Tuy nhiên, ngay cả trong tình huống khắc nghiệt, nhiều loài động vật như hải cẩu vẫn đang sống ở khu vực Nam Cực. Đó là lý do tôi nghĩ chúng có thể giúp chúng tôi thu thập dữ liệu”, ông cho biết thêm.
Dữ liệu được thu thập từ bảy con hải cẩu cho thấy một trong số chúng đã đi xa tới 633k m từ khu vực Trạm Showa của Nhật Bản ở Nam Cực, trong khi một con khác đã lặn xuống tới độ sâu 700 m.
Với mục tiêu kiểm tra thêm tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu đối với các khu vực ven biển Nam Cực, các nhà khoa học Nhật Bản hy vọng sẽ tạo ra những thiết bị đủ nhỏ để phù hợp với các loài động vật khác ở Nam Cực như chim cánh cụt.
“Lợi thế với chim cánh cụt là chúng sẽ quay trở lại nơi chúng thường sống và chúng tôi có thể trích xuất dữ liệu chúng mang về ngay lập tức. Ngoài ra, chúng tôi có thể sử dụng thiết bị trên một số lượng lớn chim cánh cụt để thu được dữ liệu trong khu vực rộng lớn”, ông cho biết.