Đất trồng lúa được nhà nước có chính sách bảo vệ nhưng diện tích mênh mông vẫn bị cày nát để khai thác đá trái phép.
Ngày 1-3, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết sẽ cử lực lượng kiểm tra hiện trạng việc khai thác đá trái phép tại cánh đồng lúa thuộc xã Ia Dêr, huyện Ia Grai.
Động thái này của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai được thực hiện sau khi phóng viên Báo Người Lao Động cung cấp thông tin việc khai thác đá trái phép quy mô lớn tại khu vực nêu trên.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ nhiều năm trước, cánh đồng lúa xã Ia Dêr đã có một số diện tích được UBND tỉnh Gia Lai quy hoạch để khai thác khoáng sản. Sau đó, UBND tỉnh Gia Lai đã cấp phép cho nhiều đơn vị tiến hành khai thác tại khu vực trên.
Đến nay, đa số các đơn vị này đã hết thời gian hoạt động. Hiện tại, khu vực này chỉ còn Công ty cổ phần Thăng Long (Công ty Thăng Long) được phép khai thác đá xây dựng đến năm 2029.
Từ năm 2006, Chi nhánh Công ty Thăng Long có đơn xin khai thác và UBND tỉnh Gia Lai đã cấp giấp phép khai thác đá cho đơn vị này với diện tích 8,15 ha trong thời hạn 5 năm, công suất 40.000m3/năm
Tới năm 2011, Công ty Thăng Long tiếp tục có đơn xin khai thác và cũng được UBND tỉnh Gia Lai cho phép khai thác đá xây dựng trên diện tích 8,15 ha, trong thời gian 5 năm, công suất 40.000m3/năm.
Đến tháng 6-2014, UBND tỉnh Gia Lai điều chỉnh, bổ sung khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản giai đoạn 2014-2015. Sau đó 3 tháng, Công ty Thăng Long có “Báo cáo thăm dò mỏ đá xây dựng tại xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai” và được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong báo cáo này.
Tiếp đó, Công ty Thăng Long có đơn và hồ sơ đề nghị khác thác khoáng sản tại khu vực xã Ia Dêr, huyện Ia Grai. Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai cũng có tờ trình đề nghị cấp phép khai thác cho Công ty Thăng Long.
Từ các căn cứ trên, tháng 11-2014, ông Đào Xuân Liên, lúc đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ký cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Thăng Long với diện tích 5,5 ha, trong thời gian 15 năm.
Tại các giấy phép này, UBND tỉnh Gia Lai đều yêu cầu công ty khai thác đúng tọa độ, diện tích được cấp phép. Tuy nhiên trong thời gian qua, rất nhiều diện tích là ruộng lúa tiếp giáp khu vực mà Công ty Thăng Long được phép khai thác đá cũng đã bị lấy để khai thác đá.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các diện tích này đều được mua bán giấy tay với nhau, sau đó tiến hành khai thác đá. Trong khi đó, Điều 134, Luật Đất đai năm 2013 quy định Nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Người sử dụng đất trồng lúa không được chuyển sang sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản… và vào mục đích phi nông nghiệp nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Theo quy hoạch đất của huyện Ia Grai trong năm 2021, một diện tích đất mênh mông được quy hoạch trồng lúa lại khu vực trên đã bị khai thác khoáng sản.
Ông Đặng Lương Minh Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dêr, cho biết cánh đồng lúa xã Ia Dêr là cánh đồng rộng nhất của huyện Ia Grai. Từ những năm trước, khi thấy người dân nhờ xác thực việc mua bán ruộng lúa, xã đã vận động, tuyên truyền để người dân không bán ruộng lúa. Do đó, sau này khi bán thì chỉ viết giấy tay với nhau, không thông qua chính quyền địa phương nên không thể nắm rõ bao nhiêu diện tích đã được sang nhượng.
Riêng việc diện tích lớn quy hoạch đất trồng lúa đã bị khai thác đá thì chính quyền xã không có phương tiện để đo đạc, xác định tọa độ cụ thể nên không nắm được.
Trong khi đó, ông Thái Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai, cho biết hàng năm đều tiến hành kiểm tra việc khai thác đá của Công ty Thăng Long 1-2 lần nhưng không phát hiện việc khai thác ngoài tọa độ, lấy đất quy hoạch trồng lúa để khai thác đá. Riêng năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 nên không tiến hành kiểm tra được.
Với các thông tin khai thác đá ngoài tọa độ, tại diện tích quy hoạch đất trồng lúa thì ông Tuấn nói sẽ cho kiểm tra và thông tin phản hồi.
Riêng ông Nguyễn Văn Viện, Phó giám đốc Chi nhánh Công ty Thăng Long tại Gia Lai, thì bảo tại khu vực trên chỉ còn duy nhất đơn vị mình đang khai thác đá, thời hạn đến năm 2029. Tuy nhiên, về “cơ bản” công ty không khai thác đá ngoài phạm vi cho phép?!