Ngắm voi ở Lào, vượn ở khu rừng nhiệt đới tại Thái Lan, gấu chó được cứu từ các trại lấy mật ở Việt Nam… là trải nghiệm được du khách yêu thiên nhiên lựa chọn tại Đông Nam Á.
SCMP liệt kê 5 khu bảo tồn tại Đông Nam Á cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho động vật hoang dã dựa trên việc đối xử nhân đạo, chăm sóc chuyên nghiệp, đảm bảo dinh dưỡng và không gian sống phù hợp.
Hơn hết, 5 khu bảo tồn trong bài viết không bắt voi đá bóng hay dạy đười ươi đi xe đạp.
Trung tâm bảo tồn voi (Lào)
Lào từng được mệnh danh là vương quốc Lan Xang (nghĩa là xứ sở triệu voi). Tuy nhiên, giờ đây, đất nước này chỉ còn khoảng vài trăm cá thể voi và số lượng vẫn tiếp tục suy giảm do nạn phá rừng, săn trộm.
Được thành lập vào năm 2010, trung tâm bảo tồn voi (Elephant Conservation Centre) ở Sayaboury trở thành nơi sinh sống của 34 con voi được giải cứu khỏi ngành khai thác gỗ. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ sở này tự hào là bệnh viện voi duy nhất trên cả nước. Các bác sĩ thú y có trình độ và nhà sinh vật học làm việc tại đây.
Trung tâm kết hợp bảo tồn động vật hoang dã với việc thúc đẩy du lịch. Bạn bị cấm cưỡi voi nhưng được khuyến khích ở lại qua đêm để trải nghiệm, đánh giá các chương trình phục hồi, nhân giống loài động vật này.
Chỗ ở của du khách là các bungalow mộc mạc nằm giữa 250 ha rừng. Khu bảo tồn cách trung tâm thành phố Luang Prabang khoảng 2 giờ lái xe.
Trung tâm phục hồi đười ươi Sepilok (Malaysia)
Trung tâm phục hồi đười ươi Sepilok là nơi sinh sống của 60-80 con đười ươi. Khu bảo tồn được thành lập năm 1964 bởi Barbara Harrison với mục đích cứu hộ, hồi phục những con đười ươi từng là nạn nhân của nạn buôn bán, phá rừng hoặc săn bắt bất hợp pháp.
Nhân viên dạy cho đười ươi những kỹ năng cần thiết như kiếm ăn, nhận biết kẻ săn mồi – những thứ chúng cần để tồn tại trong tự nhiên. Quá trình này có thể kéo dài hàng thập kỷ.
Du khách không được phép đến gần, tiếp xúc với loài linh trưởng do nguy cơ lây nhiễm bệnh tật. Bạn có thể đến đây để chiêm ngưỡng khoảnh khắc trong cuộc sống thường nhật của chúng, lang thang dọc theo lối đi giữa rừng.
Dự án phục hồi vượn (Thái Lan)
Trong nhiều thập kỷ, vượn bị săn bắt, bán vào các rạp xiếc, điểm du lịch, nơi chúng trở thành đạo cụ chụp ảnh.
Ẩn mình trong vườn quốc gia Khao Sok, Dự án phục hồi vượn (Gibbon Rehabilitation Project) là khu cứu hộ, bảo tồn dành riêng cho những con vượn cư trú trước khi trở về tự nhiên.
Cho đến nay, khoảng 50 con vượn đã được trả về nơi chúng sinh ra. Du khách có thể quan sát vượn từ xa. Việc tương tác, bao gồm cả vuốt ve bị cấm.
Được điều hành bởi các nhân viên và tình nguyện viên Thái Lan, dự án phục hồi được hoạt động dựa hoàn toàn trên số tiền quyên góp thu được từ cửa hàng quà tặng và chương trình tài trợ cho vượn.
Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Tasikoki (Indonesia)
Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Tasikoki nằm ở Bắc Sulawesi, gần các tuyến đường buôn bán động vật hoang dã quốc tế. Hàng trăm con chim, bò sát, linh trưởng và các loài động vật có vú khác sắp bị đưa ra khỏi Indonesia bị hải quan thu giữ và chuyển đến cơ sở này. Tại đây, chúng được chăm sóc sức khỏe và theo dõi bởi các bác sĩ thú y.
Nơi đây được thành lập với mục đích đưa sinh vật trở lại môi trường sống tự nhiên của chúng.
Trong thời gian đại dịch, nguồn thu nhập của trung tâm bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hạn chế đi lại, vắng khách du lịch. Họ gặp khó khăn trong việc chi trả lương cho nhân viên, mua thức ăn cung cấp cho động vật.
Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình (Việt Nam)
Du khách đến thăm vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất cả nước, không nên bỏ qua cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình nằm gần đó.
Trung tâm cứu hộ rộng 3,5 ha, được phát triển bởi tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu Four Paws, cung cấp môi trường tự nhiên cho những con gấu đã nhiều năm sống trong chiếc lồng tối tăm, chật chội.
Bên cạnh việc giảng dạy về ngành kinh doanh khai thác mật khủng khiếp, khu bảo tồn còn tổ chức chương trình giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề phúc lợi động vật và bảo tồn đa dạng sinh học.
Du khách có thể quan sát những con gấu đen châu Á từ lối đi bộ trên không dài 300 m.