Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) vừa chấp thuận Báo cáo dành cho các nhà hoạch định chính sách có tên “Biến đổi khí hậu 2022: Tác động, Thích ứng và Tình trạng dễ bị tổn thương”. Báo cáo do 270 tác giả và 195 chính phủ tham gia hoàn thiện và phê duyệt, được xem là đánh giá lớn nhất về tác động của biến đổi khí hậu và các chiến lược thích ứng.
Báo cáo xem xét các tác động mà biến đổi khí hậu (BĐKH) đang gây ra đối với các hệ sinh thái và xã hội con người, xem xét các tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực của cộng đồng để thích ứng với những thay đổi hiện tại cũng như tương lai. Đồng thời, nêu bật những rủi ro khi lượng khí thải tiếp tục tăng lên gây ra cho con người và môi trường, đồng thời phân tích những điểm dễ bị tổn thương của nhiều khu vực và hệ thống tự nhiên khác nhau.
Cắt giảm khí nhà kính nhanh hơn là giải pháp duy nhất
Báo cáo tiếp tục khẳng định: Biến đổi khí hậu là mối đe dọa đối với đời sống ổn định của con người và sức khỏe trên toàn hành tinh. Bất kỳ sự chậm trễ nào nữa trong các hành động toàn cầu liên quan tới thích ứng BĐKH và giảm thiểu phát thải khí nhà kính (KNK) sẽ làm lỡ cơ hội, cũng như đóng sập cánh cửa cuối cùng để đảm bảo một tương lai mà loài người có thể sinh sống và phát triển bền vững.
Theo các chính sách hiện tại của chính phủ, lượng khí thải sẽ dẫn đến mức nhiệt độ tăng khoảng 2,6-2,7°C vào năm 2100. Tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu sẽ gia tăng nhanh chóng cùng với nhiệt độ ngày càng ấm lên, trong nhiều trường hợp có thể tạo ra những rủi ro mà con người và thiên nhiên sẽ không thể thích ứng được. Nếu lượng khí thải chỉ được cắt giảm ở mức theo kế hoạch hiện nay, thì nhiệt độ tăng lên sẽ đe dọa sản xuất lương thực, nguồn cung cấp nước, sức khỏe con người, các khu định cư ven biển, nền kinh tế quốc gia và sự tồn tại của phần lớn thế giới tự nhiên. Việc cắt giảm khí thải nhanh chóng hơn sẽ là cách duy nhất để ngăn chặn điều này.
Nếu các chính phủ tăng cường các chính sách này để đáp ứng các cam kết mà họ đã đưa ra về cắt giảm phát thải trong thời gian ngắn, mức tăng nhiệt độ sẽ là khoảng 2,3-2,4°C. Báo cáo dự đoán rằng nhiệt độ tăng có thể sẽ đạt 1,5°C trong 20 năm tới, nhưng bằng việc cắt giảm phát thải nhanh chóng, chúng ta có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu gần mức này trước khi giảm nhiệt độ trên toàn cầu.
Thích ứng với biến đổi khí hậu có thể cải thiện đời sống ổn định của người dân cũng như giảm thiểu rủi ro do BĐKH, nhưng hiện chưa có nguồn tài chính. Thích ứng cũng không phải là một giải pháp thay thế cho việc cắt giảm phát thải: nếu tình trạng ấm lên vẫn tiếp diễn, thế giới sẽ ngày càng phải đối mặt với những thay đổi mà không thể thích ứng được.
Báo cáo do Nhóm công tác II (WGII) cho Chu kỳ đánh giá thứ sáu (AR6) thực hiện. Bản báo cáo được công bố sau phiên họp toàn thể được tổ chức từ ngày 14 -26/2 vừa qua, và đã được đại diện các chính phủ phê duyệt.
Dự thảo đầu tiên của báo cáo có 16.348 ý kiến phản biện, bản dự thảo thứ hai có 40.293 ý kiến đánh giá và dự thảo cuối cho các Nhà hoạch định chính sách nhận được 5.777 ý kiến. Hơn 34.000 bài báo khoa học được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong báo cáo này. |
Rủi ro vượt quá khả năng chống chịu
Các tác giả báo cáo nhấn mạnh, BĐKH – xuất phát từ việc con người phát thải khí nhà kính – đã và đang gây hại và giết chết nhiều người trên khắp thế giới, làm tổn hại đến sản xuất lương thực, hủy hoại thiên nhiên và làm suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo xác định một loạt các rủi ro đối với con người và các hệ thống tự nhiên, khi tình trạng phát thải tiếp diễn gây ra những hậu quả xấu, nghiêm trọng. Dù nhiệt độ chỉ tăng nhẹ cũng có thể đe dọa sản lượng lương thực và an ninh lương thực, do gia tăng mức độ nghiêm trọng và tần suất của các đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt, cùng với mực nước biển dâng.
Với mức tăng nhiệt độ trên 1,5°C, nguy cơ mất mùa ngô hàng loạt ở các vùng sản xuất lương thực lớn khác nhau sẽ tăng lên, đe dọa chuỗi cung ứng ngô toàn cầu. Nếu mức nhiệt chạm mốc 2°C, người dân sẽ không còn có thể trồng các loại cây chủ lực ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới, nếu không có các biện pháp thích ứng. Nguy cơ suy dinh dưỡng gia tăng sẽ đặc biệt cao ở khu vực Châu Phi cận Sahara, Nam Á, Trung và Nam Mỹ và các đảo nhỏ.
Số người ốm yếu và tử vong sớm sẽ gia tăng đáng kể do thời tiết khắc nghiệt hơn và các đợt nắng nóng, dịch bệnh lây lan. Dự báo, các thách thức về sức khỏe tâm thần như lo âu và căng thẳng sẽ gia tăng, đặc biệt là ở người trẻ và người cao tuổi và những người gặp nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Dân số ven biển phải hứng chịu trận lũ lụt nghiêm trọng hiện được dự đoán sẽ tăng 20% mỗi 100 năm khi mực nước biển dâng thêm 15cm, và sẽ tăng gấp đôi khi mực nước biển dâng 75cm [dự kiến vào năm 2100 nếu lượng phát thải cao hoặc vào năm 2150 nếu có lượng phát thải thấp hơn]. Đi kèm là tình trạng khan hiếm nước ngọt.
Mực nước biển dâng sẽ dẫn đến một chuỗi tác động xấu lên các hệ sinh thái ven biển, nhiễm mặn nguồn nước ngầm, lũ lụt và thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng ven biển, kéo theo các rủi ro đối với sinh kế, sức khỏe, sự ổn định, nguồn cung cấp thực phẩm, nguồn nước và văn hóa của người dân. Thiệt hại do mực nước biển dâng cũng có thể tăng lên khi nước biển dâng kết hợp với triều cường gia tăng và mưa lớn, làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt.
Thiệt hại kinh tế toàn cầu do biến đổi khí hậu sẽ lớn hơn khi nhiệt độ tăng thêm, với các nước nghèo hơn bị ảnh hưởng nặng nề nhất và có thể cao hơn ước tính trong các báo cáo trước đây của IPCC. Tác động của biến đổi khí hậu có thể làm suy giảm tăng trưởng kinh tế quốc gia và gây ra hạn chế tài chính của chính phủ.
Nếu nhiệt độ tăng vượt quá 1,5°C, toàn bộ hệ sinh thái sẽ bị mất đi mà không thể phục hồi – ngay cả khi nhiệt độ sau đó được giảm xuống bằng các biện pháp loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển – bao gồm các hệ sinh thái vùng cực, núi và ven biển và các vùng bị ảnh hưởng bởi băng tan và sự tan chảy của sông băng.
Thiếu hụt hành động thích ứng
Báo cáo nhận định, hiện nay, thế giới đang thiếu hụt các hành động thích ứng với BĐKH để giảm thiểu rủi ro. Hầu hết các biện pháp thích ứng cho đến nay vẫn còn rời rạc, quy mô nhỏ, riêng lẻ, và mới phù hợp với các tác động hiện tại cũng như rủi ro ngắn hạn. Mặc dù nguồn tài chính về khí hậu toàn cầu đã tăng lên trong những năm gần đây, nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu thích ứng của các nước nghèo hơn.
Các nhà khoa học cũng đề xuất những hành động thích ứng có khả năng hiệu quả trong việc giảm thiểu rủi ro đối với thiên nhiên và con người, bao gồm: quản lý nguồn nước trong nông nghiệp, đa dạng hóa trang trại, khôi phục rừng tự nhiên và đất than bùn, công nhận quyền của người bản địa, bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái để bảo vệ cả đa dạng sinh học và con người.
Theo bà Christiana Figueres, Đồng sáng lập Global Optimism, cựu Thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, báo cáo mới nhất này là một lời nhắc nhở nghiêm túc rằng sự thất bại toàn cầu của chúng ta trong việc cắt giảm lượng khí thải đang dẫn đến những tác động nặng nề về sức khỏe, kinh tế và xã hội trên toàn thế giới. Nhưng chúng ta có thể thay đổi điều này, nỗ lực ngăn ngừa và bảo vệ mình khỏi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, nạn đói, các vấn đề sức khỏe và hơn thế nữa bằng cách cắt giảm lượng khí thải và đầu tư vào các chiến lược thích ứng. các bằng chứng khoa học và các giải pháp đã rất rõ ràng. Cách chúng ta định hình tương lai tùy thuộc vào chính chúng ta.
Giám đốc điều hành Quỹ Khí hậu Châu Âu Laurence Tubiana nhận định, báo cáo là một lời nhắc răn khắc nghiệt rằng biến đổi khí hậu đã và đang giết chết con người, hủy hoại thiên nhiên và khiến thế giới trở nên nghèo nàn hơn. Ba tháng trước tại Glasgow tại COP26, tất cả các nền kinh tế lớn đều đồng ý củng cố tham vọng của họ – và khi chúng ta bước vào vùng nguy hiểm trong cuộc chiến chống biến khí hậu, điều quan trọng là họ phải đưa ra những kế hoạch đầy tham vọng mới vào năm 2022. Không thể có thêm lý do nào bào chữa và phải chấm dứt tình trạng quảng cáo xanh (những tuyên bố vô căn cứ để lừa người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm của công ty là thân thiện với môi trường) ngay.