Trong các phiên đối thoại trực tuyến về tôn giáo và sinh thái do Liên Hợp quốc tổ chức, bà Inger Andersen – Giám đốc điều hành của Chương trình Môi trường của Liên Hợp quốc, kêu gọi các nhóm tôn giáo giúp đạt được một thỏa thuận toàn cầu để hạn chế ô nhiễm do rác nhựa, trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo rằng nhựa dùng một lần đang làm nghẹt thở hành tinh.
Các quan chức cho biết đây là cuộc đối thoại liên tôn giáo lớn nhất từ trước đến nay về tôn giáo và sinh thái, với 180 diễn giả và 20 phiên họp. Nó được tổ chức bởi 94 tổ chức tín ngưỡng đại diện cho hơn 50 tôn giáo từ 74 quốc gia. Các hệ phái Ki-tô giáo, bao gồm một số tổ chức và mạng lưới Công giáo, các nhóm Hồi giáo và Ấn Độ giáo cùng tham gia thảo luận.
Các phiên họp diễn ra từ 21/2 đến 5/3/2022, được tổ chức cùng với kỳ họp thứ 5 của Hội đồng về Môi trường của Liên Hợp quốc tại Nairobi. Hội nghị cũng sẽ đánh dấu kỷ niệm 50 năm của chương trình môi trường.
Thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa
Bà Andersen nói: “Chúng tôi có một nghị quyết được đề xuất trước các quốc gia thành viên, về việc bắt đầu một thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa, giảm việc sử dụng nhựa từ nguồn ra biển. Chúng tôi hy vọng hội nghị về môi trường của Liên Hợp quốc sẽ là cột mốc lịch sử như Thỏa thuận Paris về khí hậu. Và chúng tôi hy vọng, tin tưởng và cầu nguyện với sự tham gia mạnh mẽ của các bạn, các bạn sẽ giúp đưa chúng tôi đến kết quả đó”.
Theo Chương trình Môi trường của Liên Hiệp quốc, 1 triệu chai nước uống bằng nhựa được mua mỗi phút, trong khi 5 ngàn tỷ túi nhựa sử dụng một lần được sử dụng trên toàn thế giới mỗi năm. Một nửa số nhựa được thiết kế để sử dụng một lần và vứt bỏ.
Sức mạnh của các cộng đồng tín ngưỡng là rất lớn
Bà Andersen, nhà kinh tế và môi trường của Đan Mạch, nói rằng khi cộng đồng đức tin được huy động để hành động vì khoa học thì thế giới sẽ thay đổi. Bà nói: “Sức mạnh của các cộng đồng tín ngưỡng là rất lớn… Không thể đánh giá thấp sức mạnh của các cộng đồng tín ngưỡng trong phạm vi kinh tế”.
Gần đây, các tôn giáo đã tham gia nỗ lực bảo vệ hành tinh, làm nổi bật mạnh mẽ hơn những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và bảo tồn môi trường và sinh thái. Từ việc thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch cho đến những dự án dầu khí khổng lồ đầy thách thức, các nhóm tôn giáo đã đi đầu trong việc trồng cây và thúc đẩy các phương pháp canh tác tốt hơn để bảo tồn môi trường và họ cũng là những nhà giáo dục chủ chốt trong việc bảo vệ và bảo tồn môi trường./.