Khám phá thú vị về sự phòng thủ của rắn

Rắn thường rít lên để dọa kẻ thù và có một kỹ thuật đặc biệt cho phép chúng rít lên mà không cần răng cửa.

Chó sủa “gâu gâu”, mèo kêu “meo” và rắn thì “sss”. Để tạo ra âm thanh này, con người phải đặt lưỡi của mình vào răng cửa. Rắn không có răng cửa, vậy làm thế nào chúng có thể tạo ra âm thanh này và đôi khi còn thè lưỡi ra cùng một lúc?

Hóa ra, rắn phát ra tiếng rít đó ở hệ thống hô hấp sâu hơn chúng ta một chút, trong một cấu trúc gọi là thanh môn. Thanh môn là một lỗ nhỏ ở đáy miệng rắn, mở ra khi rắn thở.

Rắn. Ảnh: AFP

Thanh môn được kết nối với khí quản – thứ kết nối với phổi của rắn. Rắn chỉ có một lá phổi hoạt động, cái còn lại là dấu tích, nghĩa là nó là tàn tích nhỏ của một cơ quan chức năng lớn hơn từng tồn tại trong tổ tiên của loài rắn. Phổi hoạt động được bao gồm hai phần.

Phó giáo sư sinh học David Penning từ Đại học Missouri Southern State (Mỹ) nói với Live Science: Tiếng rít là kết quả của luồng không khí chuyển động nhanh đi qua thanh môn. Rắn có thể thay đổi âm lượng bằng cách ép xương sườn mạnh hơn và đẩy không khí ra nhiều hơn. Và lưỡi không đóng vai trò gì trong chuyện này.

Giáo sư Penning nói thêm: Cái lưỡi là để thu thập thông tin. Tiếng rít là để tỏ ra đáng sợ, khiến kẻ thù không dám lại gần.

Không giống như các loài động vật khác, rắn chỉ tạo ra một âm thanh cho một mục đích: phòng vệ. Ông Penning nói rằng tiếng rít không truyền tải thông tin hay thay đổi gì nhiều tùy theo tình huống. Âm thanh này gần như không khác gì tiếng ồn trắng. Tuy nhiên, âm thanh đó có thể khác nhau giữa các loài. Nhưng bất kể âm thanh nào, thông điệp đều giống nhau: Hãy tránh xa. Chú ý đến cảnh báo đó sẽ tốt cho bạn cũng như cho con rắn.