Không chỉ có giá trị kinh tế, dừa nước còn là loại cây trồng chống biến đổi khí hậu rất hiệu quả.
Vừa chống biến đổi khí hậu vừa có giá trị kinh tế, cây dừa nước trước đây chỉ mọc ở miền Trung – Nam Bộ nay đã được trồng thành công ở nhiều vùng bãi triều ngập mặn miền Bắc.
Hơn 20 năm trước, nhìn các vùng bãi triều ngập mặn của Quảng Ninh dần biến mất, Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân cùng Tiến sĩ Hoàng Công Đãng quyết tâm phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển với công trình “Giải pháp nghiên cứu trồng thử nghiệm cây dừa nước từ huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre về trồng và phát triển tại tỉnh Quảng Ninh”. Theo ông Vân, sau khi thử nghiệm có chọn lọc nhiều loài cây rừng phòng hộ (cây ngập mặn) thì dừa nước được chọn, bởi đây là loài cây phù hợp phát triển phòng hộ ven đê biển, sông của Quảng Ninh cũng như miền Bắc, hệ rễ phát triển chằng chịt, bám và giữ đất chống xói mòn cao.
Tuy nhiên, trồng cây dừa nước ở phía Bắc Việt Nam với khí hậu khác hẳn với các tỉnh phía Nam là cả một thách thức lớn. Ông Vân cùng đồng nghiệp tự bỏ kinh phí trồng cây dừa nước trên bầu hữu cơ nhẹ, thuê bảo vệ, theo dõi đo đếm số liệu. Kết quả là sau 10 năm cây dừa đã đơm hoa, kết trái.
Đến cuối năm 2016, các cây dừa nước giống được đem trồng ở nhiều địa điểm khác nhau tại Uông Bí, Quảng Yên, cửa sông Tiên Yên đều phát triển rất tốt. “Nếu không có việc trồng khảo nghiệm, theo dõi đánh giá trên 20 năm như vậy thì không đánh giá hết thành công của dừa nước. Lại có thêm một loài cây trong tập đoàn cây trồng ngập mặn giúp tăng kết cấu lâm phần rừng bền vững, đa dạng loài”, ông Vân chia sẻ.
Đến nay, diện tích trồng dừa nước ven biển, cửa sông, vùng hồ sinh thái đô thị, ven đê biển của Quảng Ninh liên tục tăng. Khai thác sản phẩm từ rừng trồng dừa nước cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững, đặc biệt phù hợp với du lịch sinh thái.
Gần đây, tại khu vực rừng ngập mặn Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) xuất hiện lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật khai thác, chế biến, bảo quản, sử dụng lá dừa nước cho người dân và công nhân của Hợp tác xã Mây Tre Đan. Theo đó, Hợp tác xã Mây Tre Đan sẽ sử dụng lá dừa làm tấm lợp, bện tường chòi du lịch, đan giỏ xách, làm mũ đội, gói bánh… Mỗi mét vuông tấm lợp, tường làm chòi có giá 80.000-100.000 đồng, thời gian sử dụng từ 5-6 năm. Bên cạnh đó, các sản phẩm được Hợp tác xã hướng đến sản xuất, thay thế thói quen sử dụng bao bì nylon nhằm bảo vệ môi trường như dây nón, quà lưu niệm, túi xách, giỏ đựng thực phẩm… có thể sử dụng nhiều lần.
Hiện nay, tại Việt Nam đã có dây chuyền sản xuất ván sợi ép từ cuống lá dừa nước, làm vật liệu xây dựng nhà. Chồi non còn được chế biến thức ăn cho tôm hùm đất. Nội nhũ của quả dừa non có thể dùng để ăn, bổ sung vào nguyên liệu làm kem; nội nhũ quả già làm nút áo, hoặc đồ mỹ nghệ giả ngà. Nhựa lấy từ buồng hoa, buồng quả dừa nước có thể sản xuất rượu, giấm, nước giải khát…
Luận văn Tiến sĩ của Lê Thị Thanh Thủy (Đại học Cần Thơ) cho thấy, dừa nước có thể được khai thác để chế biến đường như cây thốt nốt ở Campuchia. Theo nghiên cứu của tác giả Thanh Thủy, dừa nước có ưu thế hơn nhiều loại cây trồng khác, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, nước mặn ngày một dâng cao và tiến sâu vào đất liền. Nếu có rừng dừa nước án ngữ ở tầng ngoài thì được coi như một lớp giấy lọc ngăn bớt một phần muối từ biển đưa vào đồng ruộng.
Ngoài ra, có một nguồn lợi từ dừa nước mà từ trước đến nay ít ai nghĩ đến, đó là nguồn lợi về đường. Tỉ lệ đường chứa trong nhựa hoa dừa nước chiếm đến 17%, trong khi đường mía chỉ khoảng 10%. Thu hoạch nhựa hoa dừa nước cũng không quá phức tạp. Nhựa thu được đem về nấu thành đường. Công nghệ này (từ Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, thuộc Đại học Cần Thơ) đã được cấp bản quyền.
Từ kết quả nghiên cứu sản xuất thử, tác giả Thanh Thủy đã cho biết cứ 1.000 m2 có 250 bụi dừa nước, lấy tỉ lệ ra hoa là 50% thì cũng được 125 buồng hoa đạt tiêu chuẩn thu nhựa, mỗi buồng hoa thu được 58 lít nhựa. Như vậy, tổng cộng có 6.875 lít nhựa hoa trên 1.000 m2, sản xuất được 1.058 kg đường chảy. Nếu giá bán là 15.000 đồng/kg đường chảy thì thu được 15.870.000 đồng. Sau khi trừ tổng chi phí khoảng 7.560.000 đồng, mức lãi sẽ là 8.310.000 đồng/1.000 m2 đất bờ sông.
Nguồn lợi này mở ra một hướng đi để các hộ gia đình có thể trở thành xưởng thủ công sản xuất đường dừa nước, mở ra khả năng sống chung với biến đổi khí hậu, nước mặn dâng cao mà không lo cuộc sống bị xáo trộn.