Namibia đang trong quá trình gom bắt 57 cá thể voi hoang dã vốn đã được bán đấu giá vào năm ngoái, theo một tuyên bố tuần trước từ Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Du lịch của đất nước.
Trước sự sửng sốt của các nhóm bảo vệ môi trường và bảo tồn voi, tháng 12 năm 2020 Namibia tuyên bố rằng họ sẽ bán đấu giá 170 con voi của mình để giảm bớt quần thể voi đang ngày càng xung đột với con người. Quốc gia này cho biết họ có khoảng 24.000 con voi.
Tháng 8 năm ngoái, Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Du lịch Namibia đã công bố thông tin công khai đầu tiên – và duy nhất cho đến hôm nay – về vấn đề này. Theo đó, 57 con voi, mà họ đang bắt từ tự nhiên, đã được “bán thành công” cho ba người đấu giá. Trong đó, 15 cá thể voi bán trong lãnh thổ Namibia và 42 sẽ được xuất khẩu.
Tuyên bố tuần trước của họ cho biết, đã bắt được 37 con voi, trong đó có 22 con để xuất khẩu song không đề cập đến quốc gia điểm đến của số voi này, ngoại trừ việc đó không phải là Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Du lịch Romeo Muyunda cho biết, Chính phủ Namibia chưa thể cung cấp thông tin chi tiết trong giai đoạn này cho đến khi toàn bộ quá trình hoàn tất vì đây là một điều khoản trong hợp đồng mua bán.
Việc bán voi hoang dã để nuôi nhốt từ lâu đã gây tranh cãi, cả bởi tranh luận về việc liệu loài thông minh, có lối sống di chuyển cao như voi có thể có một cuộc sống viên mãn trong điều kiện nuôi nhốt hay không và cả bởi việc chia tách đàn làm tổn hại đến mối quan hệ quan hệ gia đình vốn rất gắn bó của voi
Michele Pickover, giám đốc Quỹ EMS, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ những người dễ bị tổn thương và quyền lợi động vật, cho biết quần thể voi đông đảo ở Namibia không phải là vấn đề, vấn đề chỉ là lợi nhuận ”.
Liệu Namibia có được phép xuất khẩu voi hoang dã cho một vườn thú nước ngoài hoặc người mua khác bên ngoài miền nam châu Phi là điều gây tranh cãi.
CITES – Hiệp ước quốc tế có quy định về việc xuất khẩu động vật hoang dã, đã được sửa đổi vào năm 2019 để cấm voi ở Botswana, Zimbabwe, Namibia và Nam Phi được xuất khẩu sang bất kỳ quốc gia nào mà loài động vật này không hoặc chưa sinh sống trong tự nhiên trừ khi có lợi ích bảo tồn đã được chứng minh. Điều đó gần như chắc chắn loại trừ việc bán hàng cho các vườn thú, chẳng hạn ở Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Đức Nam/Theo National Geographic