Theo đánh giá của Viện Sinh thái học miền Nam, Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) LangBiang là một trong những trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam. Khu vực này có sự đa dạng cao về loài, với nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam.
Việc thực hiện chương trình quan trắc, giám sát đa dạng sinh học sẽ cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về hiện trạng, diễn biến đa dạng sinh học để Khu DTSQ xây dựng các kế hoạch quản lý hiệu quả.
Khu DTSQ LangBiang là một trong những khu vực quan trọng về đa dạng sinh học (Ảnh: C.Thành)
Khu DTSQ LangBiang là Khu DTSQ đầu tiên ở Tây Nguyên và là Khu DTSQ thứ 9 của Việt Nam, được UNESCO công nhận ngày 9/6/2015 tại Paris, Cộng hòa Pháp. Khu DTSQ LangBiang có tổng diện tích 275.439 ha, được chia thành 3 vùng, gồm: vùng lõi có diện tích 34.943 ha, nằm trọn trong Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, thực hiện chức năng bảo tồn lâu dài đa dạng loài, các cảnh quan, hệ sinh thái; vùng đệm có diện tích 72.232 ha, nằm bao quanh vùng lõi, ở đây có thể tiến hành các hoạt động kinh tế, nghiên cứu, giáo dục và giải trí nhưng không ảnh hưởng đến vùng lõi và vùng chuyển tiếp có diện tích 168.264 ha, nằm ở ngoài cùng Khu DTSQ, tại đây, các hoạt động kinh tế vẫn duy trì bình thường trên cơ sở phát triển bền vững nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên mà khu DTSQ quyển đem lại.
Khu DTSQ LangBiang được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng không chỉ ở tầm quốc gia về đa dạng sinh học mà còn ở tầm quốc tế về nghiên cứu khoa học trên nhiều mặt. Trong những năm gần đây, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng (xây dựng đường giao thông) và phát triển kinh tế đã và đang ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh về đa dạng sinh học của Khu DTSQ. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đang dần ảnh hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, và Khu DTSQ không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó. Mặc dù hoạt động nghiên cứu về đa dạng sinh học trong những năm gần đây đã thu được không ít thành tựu nổi bật, nhưng dưới ảnh hưởng và tác động ngày càng mạnh mẽ của nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội thì kết quả nghiên cứu chưa thực sự phản ảnh được sự biến động về đa dạng sinh học. Do đó, cần một chương trình mang tính chất theo dõi, giám sát sự biến động về đa dạng sinh học trong Khu DTSQ dưới áp lực phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup – Núi Bà chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này. Trên cơ sở khoa học từ việc quan trắc, giám sát sẽ góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ trong Khu DTSQ nhằm giải quyết vấn đề nguồn lực nội tại của Khu DTSQ.
Trong giai đoạn 2018 – 2020, dưới sự hỗ trợ của Dự án quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững do JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) tài trợ, Ban quản lý Khu DTSQ LangBiang đã triển khai xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát đa dạng sinh học trong Khu DTSQ và đã triển khai quan trắc, giám sát định kỳ. Kết quả đã cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về hiện trạng, diễn biến đa dạng sinh học của Khu DTSQ để xây dựng các kế hoạch quản lý hiệu quả. Từ năm 2021, sau khi Dự án quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững kết thúc, UBND tỉnh Lâm Đồng đã bố trí kinh phí để tiếp tục thực hiện hoạt động quan trắc, giám sát đa dạng sinh học trong Khu DTSQ thế giới với mục tiêu: thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học kịp thời, đầy đủ phục vụ quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững Khu DTSQ thế giới theo chức năng, nhiệm vụ đã được quy định.
Theo đó, VQG Bidoup – Núi Bà đã thực hiện các nội dung quan trắc, giám sát các loài thú và chim sống ở mặt đất bằng phương pháp đặt bẫy ảnh tự động trên các tuyến cố định; các loài động vật nguy cấp, quý hiếm: Vượn đen má vàng và khướu đầu đen má xám bằng phương pháp nghe tiếng kêu; hệ sinh thái rừng đặc trưng bằng ô mẫu định vị.
Ghi nhận tại VQG Bidoup – Núi Bà cho thấy, kết quả quan trắc, giám sát các loài thú và chim sống ở mặt đất bằng phương pháp đặt bẫy ảnh tự động trên các tuyến cố định đã ghi nhận hình ảnh của 41 loài động vật, trong đó bao gồm 22 loài thú và 19 loài chim. Kết quả quan trắc, giám sát vượn đen má vàng và khướu đầu đen má xám bằng phương pháp nghe tiếng kêu cho thấy: Vượn đen má vàng – loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất cao, kết quả quan trắc bằng phương pháp nghe tiếng kêu tại 7 điểm quan trắc trong 6 đợt từ tháng 7 đến tháng 12 đã ghi nhận tiếng kêu của tổng cộng 9 đàn vượn với khoảng 21 cá thể. So với kết quả quan trắc năm 2009, số lượng bầy và cá thể có xu hướng tăng lên. Đối với khướu đầu đen má xám – loài chim đặc hữu của Việt Nam đang có nguy cơ tuyệt chủng cao, kết quả quan trắc đã ghi nhận tiếng kêu của tổng cộng 27 đàn khướu với khoảng hơn 49 cá thể. Còn nội dung quan trắc, giám sát hệ sinh thái rừng đặc trưng bằng ô mẫu định vị được thực hiện trên diện tích 1ha tại khu vực Tiểu khu 129 nằm ở độ cao trung bình 1.800 m so với mực nước biển (gần với đỉnh núi Bidoup cao nhất tỉnh Lâm Đồng – 2.287 m) với kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới đặc trưng tại Khu DTSQ thế giới LangBiang. Ô định vị 1 ha tại Tiểu khu 129 là kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới đặc trưng tại Khu DTSQ LangBiang. Kết quả cho thấy, mức độ đa dạng sinh học ở ô mẫu định vị 1 ha là rất cao. Tuy nhiên, cần tiếp tục theo dõi các chỉ số này trong các chu kỳ quan trắc tiếp theo để nắm được mức độ đa dạng sinh học về loài của tầng cây gỗ tại ô mẫu định vị có biến động không va theo chiều hướng nào. Việc thực hiện chương trình giám sát và đánh giá đa dạng sinh học sẽ phát hiện xu thế biến đổi theo thời gian của các yếu tố sinh thái (thảm thực vật, thành phần loài động vật hoặc thực vật, trữ lượng quần thể,…) dưới tác động của con người và các tác nhân khác. Việc xác định cụ thể sự biến đổi của các loài, môi trường sống của chúng và nguyên nhân tác động là cần thiết nhằm giúp Ban Quản lý Khu DTSQ và các nhà lãnh đạo liên quan khác lựa chọn và đưa ra các giải pháp ưu tiên thích hợp để quản lý tốt nguồn tài nguyên sinh học trong thời gian tới.
Nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học là một trong những giải pháp mang tính quyết định nhằm quản lý và bảo vệ tốt hệ sinh thái đa dạng của Khu DTSQ thế giới đầu tiên tại miền đất Tây Nguyên.