Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng cho thấy mức độ nguy hại của hạn hán. Theo đó, quá trình sa mạc hóa là điển hình cho một trong số những “thách thức môi trường lớn nhất trong thời đại của chúng ta”.
Nền tảng của mọi sự sống
Theo các nghiên cứu khoa học, đất là nền tảng mọi sự sống trên hành tinh này và ảnh hưởng đến mọi khía cạnh từ không khí, nước, sự đa dạng sinh học đến phúc lợi kinh tế – xã hội của các quốc gia. Số lượng đất màu mỡ trên đang giảm đi ở mức đáng báo động và chúng ta cần hướng sự chú ý đến vấn đề này.
Được phát động chính thức vào tháng 3/2022, phong trào sinh thái lớn nhất toàn cầu – “Hành Tinh Có Ý Thức – Cứu Đất” nhằm nâng cao nhận thức của 3,5 tỷ công dân toàn cầu để ngăn chặn suy thoái đất.
Theo Liên Hiệp Quốc, trong 40 năm qua, 40% lớp đất mặt đã bị mất đi và chúng ta chỉ còn từ 45 đến 60 năm nông nghiệp nữa. Sau đó, con người sẽ không còn đất để sản xuất thực phẩm.
Những năm qua, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng đã cho thấy mức độ nguy hại của hạn hán, dẫn tới sa mạc hóa trong nhiều khu vực trên Trái Đất, với nhiều vùng trở nên khô hơn, chịu hạn hán thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Liên Hợp Quốc đã từng cảnh báo, quá trình sa mạc hóa là điển hình cho một trong số những “thách thức môi trường lớn nhất trong thời đại của chúng ta”.
Hiện nay, 1/5 diện tích đất trên toàn cầu, tương đương hơn 2 tỉ ha đất bị suy thoái, bao gồm hơn một nửa diện tích đất nông nghiệp. Nếu con người không thay đổi cách quản lý đất, hơn 90% có thể bị thoái hóa vào năm 2050. Suy thoái đất tác động tiêu cực đến 1/5 diện tích đất trên hành tinh và sinh kế của 3,2 tỉ người, tương đương với 40% dân số toàn cầu.
Vì vậy, vấn đề bảo vệ đất không chỉ liên quan đến sự sống còn của thế hệ này mà còn ảnh hưởng đến tương lai của thế hệ mai sau.
Hiện nay, phong trào “Hành Tinh Có Ý Thức – Cứu Đất” được sự hỗ trợ từ các tổ chức Thế giới như Liên Hợp Quốc, Diễn đàn Kinh tế Thế giới và cả những nhân vật nổi tiếng toàn cầu như Dalai Lama, Marc Benioff, Tiến sĩ Jane Goodall và Klaus Schwab.
Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức cần thiết về vấn đề này, Tổ chức Sadhguru cũng đã có kế hoạch gặp gỡ các nhà lãnh đạo và công dân toàn cầu khi lái xe qua 25 quốc gia trên đường từ London (Anh) đến New Delhi (Ấn Độ) trong 75 ngày.
Suy thoái ngày càng nghiêm trọng
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), tình trạng căng thẳng tài nguyên đất và nước đang ở mức báo động, sau sự suy thoái nghiêm trọng trong thập kỷ qua. Đây được xem là những thách thức lớn đối với gần 10 tỉ dân số trên toàn cầu vào năm 2050.
Hiện nay, sự suy thoái đất do con người gây ra ảnh hưởng đến 34% (khoảng 1.660 triệu ha) đất nông nghiệp. Mặc dù, hơn 95% lương thực được sản xuất trên đất liền, nhưng vẫn có rất ít khả năng để mở rộng diện tích có thể tạo ra năng suất cao hơn.
Theo nghiên cứu của FAO, hơn 833 triệu ha đất bị nhiễm mặn trên toàn cầu, tương đương 8,7% diện tích hành tinh. Mỗi năm, 1,5 triệu ha đất canh tác bị nhiễm mặn. Thiệt hại năng suất nông nghiệp do đất nhiễm mặn ước tính 31 triệu USD/năm.
Một thế giới thiếu đất canh tác là một thế giới có rất ít sự phát triển. Thế nhưng khoảng 20-50% đất trồng trọt ở tất cả các châu lục đã trở nên quá mặn, tạo ra thách thức đáng kể cho hơn 1,5 tỉ người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bởi suy thoái tài nguyên đất là một trong những mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng nhất đối với các vùng khô hạn và bán khô hạn, bởi đất tốt là điều kiện tiên quyết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Đất bị nhiễm mặn làm giảm năng suất nông nghiệp, chất lượng nước, đa dạng sinh học đất và xói mòn đất; Làm giảm cả khả năng cây trồng lấy nước và vi chất dinh dưỡng.
Tại hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu vừa qua ở Scotland, các nhà khoa học cũng đã nêu bật vai trò quan trọng của sức khỏe đất trong việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như xây dựng khả năng chống chịu. Theo đó, FAO đã kêu gọi tất cả các quốc gia cần khẩn trương cải thiện năng lực và thông tin về đất của họ bằng cách đưa ra các cam kết mạnh mẽ hơn đối với việc quản lý đất bền vững.
Điều này không chỉ vì đất có khả năng lưu giữ đáng kể khí thải carbon mà còn giúp giảm thiểu các tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu như hạn hán, suy thoái và sa mạc hóa. Ngoài ra, đất khỏe và phì nhiêu còn là trọng tâm trong việc xây dựng hệ thống lương thực bền vững cho tương lai.
Tương tự như sự sống phụ thuộc vào nước và oxy, sự bền vững của hệ thống thực phẩm toàn cầu không thể bỏ qua tầm quan trọng của đất khỏe. Nói cách khác, giữ cho đất khỏe chính là cơ sở để hướng tới một tương lai bền vững.
Theo GS.TS Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), ở Việt Nam hiện nay, suy thoái đất được phân chia thành 4 mức độ. |
Đầu tiên là nhóm diện tích đất có nguy cơ suy thoái, khoảng 6,7 triệu ha. Tiếp theo là nhóm diện tích đất có dấu hiệu suy thoái, khoảng 2,4 triệu ha. Thứ 3 là nhóm diện tích đất đã bị suy thoái, khoảng 1,3 triệu ha. Cuối cùng là nhóm diện tích sa mạc, hình thành từ nhóm thứ 3, hiện nay có diện tích không đáng kể.
Sa mạc hóa ngày nay lan rộng không chỉ ở vùng khô hạn mà còn lan ra ở vùng mưa và ẩm, do việc sử dụng tài nguyên đất không hợp lý.
Theo thông tin từ Cục Môi trường Việt Nam, chất lượng đất ở hầu hết các khu vực đô thị đông dân cư đang bị ô nhiễm nghiêm trọng nguyên nhân chính là do chất thải từ các hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt và rác thải từ các hộ dân. Hiện giờ, dọc theo bất cứ con đường, góc phố nào, chúng ta cũng bắt gặp những đống rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi vừa gây mất mỹ quan vừa ảnh hưởng đến chất lượng đất xung quanh. Ngay cả những vùng nông thôn thì hiện trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi vẫn xảy ra không kiểm soát.
Bên cạnh thực trạng đó,quỹ đất càng ngày càng thấp và giảm theo thời gian do sức ép tăng dân số, quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước ở Việt Nam. Quá trình quy hoạch và sử dụng đất của nhiều tỉnh thành vẫn còn bộc lộ những hạn chế và bất hợp lý trong phân bổ quỹ đất cho các ngành và lĩnh vực. Tình trạng phổ biến hiện nay là việc chuyển đổi cơ cấu mục đích sử dụng đất, suy giảm mạnh diện tích đất sản xuất nông nghiệp do đô thị hoá, quỹ đất nông nghiệp được chuyển sang sử dụng vào mục đích xây nhà ở, các khu công nghiệp và thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông.
Chính vì vậy, phòng tránh, làm chậm lại và đảo ngược việc mất đất sản xuất và các hệ sinh thái tự nhiên là rất cần thiết và quan trọng trong thời điểm hiện nay để có một khoảng phục hồi nhanh chóng từ đại dịch, đồng thời là tấm vé đảm bảo sự sinh tồn lâu dài của loài người và hành tinh.