Hòn đảo Borneo với rừng rậm nhiệt đới bao phủ đã từng là một khu vực cách biệt, nơi cuộc sống của loài đười ươi không bị quấy rầy, mọi thứ giờ đây sẽ đảo lộn khi Indonesia chào đón thủ đô mới.
Cùng với quốc gia láng giềng Sumatra, Indonesia là một trong hai khu vực trên thế giới có loài đười ươi sống trong tự nhiên. Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), trong nhiều thập kỷ, ngành lâm nghiệp và nông nghiệp trên thế giới đã xóa sổ hầu hết các khu rừng nơi đười ươi sinh sống, khiến loài động vật này lâm vào tình trạng nguy hiểm.
Gần ba năm sau khi công bố, Chính phủ Indonesia đang tiến hành kế hoạch di dời thủ đô của quốc gia đến những khu rừng rậm rạp ở tỉnh Đông Kalimantan. Ngày 18/1/2022, Quốc hội Indonesia đã thông qua luật dời thủ đô từ Jakarta sang đảo Borneo. Cách cảng biển Balikpapan khoảng một giờ lái xe về phía bắc, vị trí được chọn cho thủ đô mới nằm giữa Khu vực bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara.
Môi trường sống tiếp tục bị thu hẹp
Chính phủ dự kiến xây dựng một ‘thành phố thông minh trong rừng’ như một trung tâm cách tân hiện đại của Indonesia. Nhưng bên cạnh sự phấn khích trước những thay đổi, mọi thứ lại làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc đối với rừng mưa nhiệt đới đang bị thu hẹp diện tích và những loài động vật hoang dã sống phía trong.
Liên Hợp Quốc cho biết con người đang dần dần khiến loài đười ươi rơi vào cảnh tuyệt chủng. Tổ chức này cảnh báo nếu không có ‘sự thay đổi đáng kể’ trong hành vi của con người, loài động vật được xếp loại cực kỳ nguy cấp như đười ươi có thể bị tuyệt chủng trong vòng vài thập kỷ.
Trong khi đảm bảo một tương lai mới cho những đô thị lớn đang chìm, các quan chức Indonesia lại vô tình đánh chìm tương lai của một trong những loài sinh vật đặc biệt nhất hành tinh.
Anton Nurcahyo, Phó Giám đốc điều hành của Tổ chức Sinh tồn Đười ươi Borneo (BOS), cho biết: “Việc di dời thủ đô sẽ mang lại một lượng lớn dân số đến hòn đảo Borneo, nhưng đồng thời sẽ phải phân chia lại các khu đất để xây dựng nhà ở và văn phòng mới, thậm chí là các trung tâm sản xuất thực phẩm. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi lớn đối với môi trường sống xung quanh của loài đười ươi”.
Tổ chức Sinh tồn Đười ươi Borneo (BOS ) đã bắt đầu tái cư trú cho đười ươi ở tỉnh Đông Kalimantan từ năm 1991. Kể từ năm 2006, khu bảo tồn đười ươi của tổ chức này, Samboja Lestari, đã nhận trách nhiệm chăm sóc cho những con bị thương và mồ côi, được giải cứu khỏi các khu rừng bị tàn phá bởi hoạt động khai thác gỗ và cây dầu cọ của con người. Khu bảo tồn này nằm chính xác trong khu vực của thủ đô mới.
Hiện nay, các nhân viên ở đây đang chăm sóc hơn 120 con đười ươi được giải cứu trong một khu bảo tồn rừng tái sinh. Ý tưởng của họ là sẽ thả chúng trở lại “các khu vực có môi trường sống tự nhiên an toàn, đảm bảo” khi sức khỏe đã hồi phục. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu những khu rừng cây ăn trái tiếp tục bị đốn hạ?
“Các quận Sepaku và Samboja lân cận (được đánh dấu là thủ đô mới Nusantara) không có quần thể đười ươi hoang dã sinh sống”, Nurcahyo nói. “Nhưng khu vực bảo tồn đười ươi lại nằm ở đây, trên 1.850 ha rừng cần được bảo tồn và duy trì như hiện tại”.
Các tổ chức phi chính phủ và người dân địa phương lo ngại rằng một thành phố mới với khoảng 1,5 triệu cư dân có thể là một thảm họa đối với môi trường tự nhiên. Dòng người, chủ yếu là các công chức và gia đình của họ từ thủ đô cũ Jakarta, có thể buộc người dân địa phương và động vật hoang dã phải di dời.
Hứa hẹn về một môi trường được bảo vệ
Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), tỉnh Kalimantan đã chứng kiến tình trạng mất môi trường sống tự nhiên trên diện rộng và khoảng 2.000 đến 3.000 con đười ươi bị giết hại mỗi năm kể từ những năm 1970. Và hiển nhiên, đười ươi đang nằm trong sách đỏ của các loài động vật cực kỳ nguy cấp.
Tổ chức WWF cho biết trong một thế kỷ, số lượng đười ươi đã giảm gần một nửa – từ 230.000 xuống còn khoảng 112.000 con. Ông Nurcahyo cho biết khoảng 57.350 con đười ươi đang sinh sống ở đảo Borneo và lan rộng thành 42 quần thể hoang dã.
Điều đáng lo ngại là hầu hết đười ươi ở Kalimantan đều tồn tại bên ngoài các khu bảo tồn. Hoặc, như WWF nói, “trong các khu rừng được khai thác để sản xuất gỗ hoặc đang trong quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp”.
Chính phủ Indonesia đã cam kết sẽ không có khu rừng được bảo vệ nào bị đụng đến trong siêu dự án trị giá 32 tỷ USD. Theo Tổng thống Indonesia, đây sẽ là “một siêu trung tâm ít phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, là ‘đất lành’ cho các ngành dược phẩm, y tế, công nghệ và phát triển bền vững ngoài đảo Java”.
Thống đốc tỉnh Đông Kalimantan Isran Noor thừa nhận rằng một số cây xanh sẽ phải đổ để nhường chỗ cho khu đất rộng 256.000 ha (2.560 km vuông), gần gấp bốn lần diện tích của Jakarta. “Tất nhiên, sẽ có một vài hy sinh, nhưng cuối cùng, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ hồi sinh khu rừng. Đến thời điểm Nusantara đã được di dời, thủ đô mới sẽ tự hào khi có ít nhất 70% không gian xanh mở”.
Các khu bảo tồn rừng xung quanh thủ đô mới Nusantara sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các nỗ lực bảo tồn và tính bền vững, Thống đốc Noor nói với truyền thông. Các khu bảo tồn đười ươi cũng vậy.
Rừng mưa Kalimantan ở đảo Borneo, Indonesia là một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất trên Trái đất. Sâu trong những rừng cây xanh rậm rạp là nơi sinh sống của các loài đười ươi, các loại chim, ếch,… Nhưng rừng nhiệt đới sẽ không thể tiếp tục tồn tại nếu việc khai thác gỗ vẫn tiếp tục diễn ra không kiểm soát.
Những tia hy vọng le lói
Vượt ra ngoài những lời ca ngợi về những khu rừng của Borneo như “Paru-Paru Dunia” – “lá phổi của trái đất” – nạn đốt rừng ở nơi đây vẫn tiếp tục. Nhiều đám cháy được cố tình đốt để giải phóng mặt bằng làm nông nghiệp. Chúng thậm chí còn bùng phát gần khu vực thủ đô mới, khiến những con đười ươi trong các trại phục hồi động vật hoang dã bị mù hoặc tàn tật nặng.
Một số người lo lắng rằng tình trạng hỏa hoạn sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn khi quá trình xây dựng diễn ra. Sophie Chao tại Đại học Sydney, một chuyên gia về sinh thái và tính đồng nhất ở Đông Nam Á , cho biết: “Những hệ sinh thái này đã bị ảnh hưởng bởi việc khai thác than quy mô lớn, khai thác gỗ và trồng cọ dầu độc canh”.
Cô tin rằng động thái này gây ra nhiều xung đột hơn cho các quần thể bản địa và hàng nghìn loài động thực vật khác. “Khu vực Đông Kalimantan vô cùng phong phú và đa dạng về sinh học, với hơn 133 loài động vật có vú, 11 loài linh trưởng và 3.000 loại cây. Chúng đang sinh sống trên một bức tranh đa dạng của cảnh quan karst, đầm lầy than bùn, rừng ngập mặn, rừng khộp đất bằng và rừng ẩm”.
Nurcahyo không loại trừ khả năng việc di dời thủ đô của Indonesia từ Jakatar sang đảo Borneo có thể thu hút sự chú ý nhiều hơn đến hiện thực của loài đười ươi và thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn.
“Tất cả đều phụ thuộc vào kế hoạch giảm thiểu và khả năng phân chia sinh thái của quá trình di dời. Chúng tôi, trong thời gian chờ đợi, sẽ cống hiến không mệt mỏi cho việc bảo tồn đười ươi Bornean và môi trường sống của chúng”.