Một nghiên cứu của Đại học Bang Ohio (Mỹ) cho biết, sự sụt giảm tổng số ngày mưa đang khiến thực vật ra hoa sớm hơn ở các vùng khí hậu phía Bắc, mùa xuân đang đến sớm hơn so với dự kiến.
Có hai lý do chính khiến lượng mưa giảm dẫn đến mùa xuân đến sớm hơn. Thứ nhất, cây cối và thực vật nhận được nhiều bức xạ mặt trời hơn trong năm khi số ngày mưa ít hơn, kích thích sự phát triển của lá. Thứ hai ít ngày có mây hơn cũng có nghĩa là nhiệt độ ban ngày cao hơn và có nhiều ánh sáng mặt trời hơn làm sưởi ấm mặt đất và bầu khí quyển. Nhiệt độ ban đêm sau đó lạnh đi nhanh chóng và không có mây để giữ nhiệt.
Nếu mùa xuân bắt đầu sớm hơn, nó có thể gây ra hiệu ứng domino và tác động tới toàn bộ hệ sinh thái, bao gồm cả các động vật hoang dã khác. Giáo sư Ulf Buntgen, một nhà nghiên cứu đến từ Khoa Địa lý của Đại học Cambridge và không tham gia vào nghiên cứu chia sẻ: “Khi cây ra hoa quá sớm, sương giá muộn có thể giết chết chúng. Nhưng rủi ro còn lớn hơn khi nó làm thay đổi hệ sinh thái”.
Thực vật, côn trùng, chim và các động vật hoang dã khác đã cùng nhau phát triển và tạo ra sự đồng bộ trong cả giai đoạn phát triển của chúng. Một loại cây nào đó ra hoa sẽ thu hút một loại côn trùng cụ thể, thu hút một loại chim cụ thể… Nhưng nếu một loài phản ứng nhanh hơn những loài khác, nguy cơ thiếu sự đồng bộ có thể khiến các loài gặp khủng hoảng nếu chúng không kịp thích ứng đủ nhanh.
Các nhà nghiên cứu cho biết, ở Bắc bán cầu, mùa xuân thường đến vào khoảng cuối tháng 3 nhưng nó có thể đến sớm hơn 10 ngày vào năm 2100. Với lượng mưa hiện tại, lá non sẽ mọc sớm hơn 1 đến 2 ngày trong mỗi thập kỷ. Dù chỉ là 1 đến 2 ngày trong 10 năm, xong việc mùa xuân đến sớm xem ra lại là một điều nguy hiểm cho hệ sinh thái trong tương lai.