Cái lạnh mùa đông là kẻ thù đối với hầu hết các loài động vật. Tuy vậy, có nhiều loài vật cứng đầu khiến băng giá cũng phải chào thua.
Một số loài động vật đã phát triển khả năng thích nghi để sống sót qua mùa đông lạnh giá ở các vĩ độ khắc nghiệt, bao gồm ngừng các chức năng sống để ngủ đông, ngâm cơ thể chúng trong các loại nhựa cây hoặc thậm chí tự chịu lạnh.
Nếu không có khả năng thích ứng cao, nước trong cơ thể động vật sẽ bị đóng băng. Các tinh thể băng sẽ hình thành trên cấu trúc tế bào và xé toạc thành tế bào dẫn đến cái chết của động vật.
Dưới đây là năm loài động vật có khả năng chống chịu lạnh tốt nhất, theo businessinsider.com.
5. Bọ cánh cứng đỏ vỏ dẹt
Bọ cánh cứng đỏ vỏ dẹt sống sót qua mùa đông bằng cách chui mình vào khu vực ẩm ướt dưới vỏ những cây balsam ở Alaska.
Những con bọ này ngăn chặn cái lạnh bằng cách tạo ra các protein chống đông để ngăn chặn các tinh thể băng hình thành trong tế bào của chúng. Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm tại Đại học Alaska Fairbanks, Mỹ, cho thấy loài bọ này có thể sống sót khi nhiệt độ môi trường xuống tới -150°C.
4. Bọ cánh cứng upis
Khác với bọ cánh cứng đỏ vỏ dẹt, bọ cánh cứng upis không dùng chất chống đông để tự bảo vệ mình khỏi cái lạnh. Những con bọ này chọn những kẽ hở trên cây khô và tránh ẩm ướt để giữ ấm. Bên cạnh đó, chúng cũng ép nước ra khỏi người nhằm ngăn ngừa các tinh thể băng phá vỡ tế bào.
Chiến lược khử nước này giúp bọ cánh cứng upis chịu lạnh được tới -7,5°C.
3. Sóc đất Bắc Cực
Sóc đất Bắc Cực là loài động vật có vú duy nhất trong danh sách này. Mặc dù nhiều loài động vật có vú có thể chống chọi với cái lạnh bằng những chiếc áo khoác lông xù và ngủ đông trong những tháng lạnh giá, nhưng không loài nào có thể chống lại mùa đông hiệu quả như sóc đất Bắc Cực.
Giống như nhiều loài động vật khác, những con sóc này cũng có thể làm lạnh cơ thể của chúng xuống dưới điểm đóng băng, tới -2,9°C, một kỷ lục trong số các loài động vật có vú.
Nhưng sự thích nghi thực sự ấn tượng lại xảy ra trong não của loài này. Những con sóc đất Bắc Cực có thể cắt đứt các kết nối và khớp thần kinh để ngủ đông. Những kết nối bị ngắt có thể tự động liền lại ngay sau khi chúng thức dậy. Quá trình này diễn ra khoảng hai hoặc ba tuần một lần trong mùa đông.
2. Sâu lông Bắc Cực
Sâu lông Bắc Cực sống sót qua cái lạnh bằng cách chơi trò chơi chờ đợi. Hầu hết các loài sâu sẽ nở vào mùa xuân và dành vài tháng để ăn các chất dinh dưỡng cần thiết trước khi chui vào kén của nó và trở thành một con bướm.
Nhưng sâu lông Bắc Cực không có được sự xa xỉ đó. Ở những vùng lạnh, nơi mùa hè chỉ thoáng qua, sâu bướm mất tới nhiều mùa để thành nhộng. Chúng ăn nhiều nhất có thể trong suốt tháng sáu trước khi bước vào thời kỳ ngủ đông kéo dài hầu hết cả năm.
Tim của chúng ngừng đập, phổi ngừng thở và cơ thể sẽ tổng hợp chất “chống đóng băng” tự nhiên như glycerol để bảo vệ các tế bào khỏi các tinh thể băng. Loài này thậm chí còn có thể làm suy giảm ti thể của tế bào trong khi chúng ngủ đông.
Do chiến lược kiên nhẫn này, sâu lông Bắc Cực là loài sâu bướm sống lâu đời nhất, mất nhiều năm để hoàn thành một giai đoạn sống có thể kết thúc trong vòng vài tháng.
1. Tardigrades (gấu nước)
Những vi sinh vật này có thể tồn tại bất cứ môi trường nào, cho dù đó là nhiệt độ cao hay thấp, lượng bức xạ lớn, không có nước hay thậm chí là trong môi trường chân không.
Những con gấu nước này gần như có thể tồn tại ở độ không tuyệt đối, nhiệt độ mà các nguyên tử vật chất ngừng chuyển động. Một thí nghiệm trên loài Tardigrades đã ghi nhận khả năng sống sót khi nhiệt độ phòng thí nghiệm xuống tới -273°C. Chúng cũng được biết là có thể sống sót ở nhiệt độ cao tới 150°C, cao hơn nhiều so với nhiệt độ sôi của nước.
Tardigrades không chỉ có thể sống sót trong những điều kiện này mà còn thoát ra khỏi tình trạng khô cứng mà không hề bị tổn thương. Một nghiên cứu gần đây đã tái sinh những con gấu nước bị đóng băng vào năm 1983, và chúng có thể tiếp tục sống và sinh sản sau hơn 30 năm.