Phát triển du lịch bền vững là một trong những nhu cầu cấp thiết của mỗi quốc gia, thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành công nghiệp không khói, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương.
Xây dựng hệ sinh thái thân thiện với môi trường
Du lịch là một trong ngành kinh tế mũi nhọn, không ngừng phát triển và ảnh hưởng tới sự tăng trưởng rộng khắp các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa. Điều này được nhìn nhận thông qua con số thống kê về số lượng các chuyến du lịch thực hiện mỗi năm trước khi Covid-19 xuất hiện đã vượt qua dân số thế giới. Năm 2019 lượng khách du lịch quốc tế vượt 1,5 tỷ lượt, và dự kiến sẽ lên tới 1,8 tỷ lượt vào 2030.
Phát triển du lịch bền vững là một trong những nhu cầu cấp thiết của mỗi quốc gia trong phát triển dịch vụ. Với Việt Nam, các nhu cầu đó cũng đang được thúc đẩy trong các tiếp cận nền kinh tế mới. Hướng đến tìm kiếm các lợi thế hay giá trị tiềm năng, thúc đẩy du lịch phát triển trong chiến lược dài hạn, phản ánh tính chất bền vững là nhiệm vụ đặt ra cho tất cả các chủ thể tham gia trong nền kinh tế.
Do vậy, phát triển du lịch bền vững là hoạt động khai thác có quản lý các giá trị tài nguyên tự nhiên và nhân văn nhằm thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của khách du lịch; quan tâm đến các lợi ích kinh tế dài hạn và đảm bảo sự đóng góp cho công tác bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên, duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa, cho công tác bảo vệ môi trường để phát triển hoạt động du lịch trong tương lai, và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương.
Theo đó, khi thiết lập các tiêu chí cốt lõi cho du lịch bền vững, một nền tảng vững chắc bắt đầu bằng việc nắm được nguyên lý của năm loại tác động cơ bản: chất thải (bao gồm nhựa sử dụng một lần), nước, năng lượng và khí nhà kính, sự hỗ trợ cộng đồng địa phương và bảo vệ thiên nhiên. Chất thải của các cơ sở sản xuất mang hóa chất độc hại đến các thủy vực và dẫn đến tác động nghiêm trọng cho môi trường.
Thêm vào đó, các loại khí độc hại, năng lượng dự trữ cùng ảnh hưởng tiêu cực của con người với thiên nhiên đều là những tác nhân dẫn đến một đại dịch thầm lặng mà chúng ta đã và đang sống chung. Sự gia tăng nhận thức về vấn đề này đang thay đổi dần cách chúng ta quan sát, sử dụng cũng như phản ứng với môi trường xung quanh.
Những thay đổi dù nhỏ như giảm lượng tiêu thụ nhựa hoặc yêu cầu tái sử dụng khăn tắm đều nên được đẩy mạnh Kiến thức về tính bền vững giữa các ngành luôn có sự khác biệt, trong đó nhiều doanh nghiệp còn thiếu các công cụ để áp dụng các biện pháp bền vững hơn, do đó điều quan trọng là hợp tác thúc đẩy sự thay đổi bền vững trong ngành du lịch.
Đồng thời, du lịch bền vững cung cấp các động lực kinh tế quan trọng để bảo vệ môi trường sống. Nguồn thu từ du khách thường được chuyển trở lại các chương trình bảo tồn thiên nhiên hoặc nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương để quản lý các khu bảo tồn.
Hơn nữa, du lịch có thể là một phương tiện quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy thay đổi hành vi tích cực đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học trong số hàng triệu người đi du lịch trên toàn cầu mỗi năm. Tuy nhiên, xây dựng ngành du lịch bền vững vẫn đang là mục tiêu của nhiều quốc gia, đặc biệt tại các nước đang phát triển nơi mà cấp độ hiện tại chủ yếu là du lịch đại chúng.
Giải pháp bền vững phục hồi du lịch Việt Nam
Ở nước ta hiện nay, du lịch đang là một trong những ngành kinh tế trọng điểm và được khẳng định là một ngành công nghiệp không khói. Cũng chính vì sự phát triển của ngành kinh tế đem lại nguồn lợi nhuận lớn nên việc phát triển ngành du lịch những vẫn phải quan tâm và trú trọng đến môi trường tự nhiên xung quanh là rất cần thiết.
Nguyên tắc phát triển bền vững trong du lịch thiết lập sự cân bằng phù hợp giữa các khía cạnh môi trường, kinh tế và văn hóa xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Trong quá trình vận hành, tính bền vững thể hiện ở khía cạnh hướng tới giảm thiểu tác động đối với môi trường và văn hóa địa phương, đồng thời góp phần tạo ra thu nhập, việc làm và bảo tồn các hệ sinh thái tại đó.
Du lịch phát triển bền vững nhưng cũng cần phải phù hợp với khả năng chịu tải của môi trường, đồng thời hỗ trợ công tác bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hóa, cho cuộc sống của cộng đồng. Như vậy phát triển du lịch bền vững cần chú trọng một số giải pháp để có thể thực hiện việc phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn Du lịch toàn quốc năm 2021 với chủ đề “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội, sự thay đổi đó mang tính lâu dài, đưa hoạt động của toàn xã hội sang một trạng thái mới.
Đối với ngành du lịch, trạng thái bình thường mới được xác định với nhiều yếu tố mới, trong đó an toàn trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu trong mọi hoạt động du lịch; bảo vệ môi trường trở thành các quy định bắt buộc với du lịch. Bên cạnh đó là một số quy định mới khách cần thực hiện trước và trong khi tham gia du lịch (khai báo y tế, khai báo di chuyển, xét nghiệm y tế, phiếu tiêm vaccine…); phương tiện thông tin cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng… từng bước trở thành yêu cầu bắt buộc phải có khi đi du lịch.
Đồng thời, các hoạt động chủ yếu trong du lịch như xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý kinh doanh du lịch cũng đang và sẽ tiếp tục thay đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm an toàn và ứng dụng công nghệ. Điều này đòi hỏi toàn ngành du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch phải chuyển đổi các hoạt động quản lý và kinh doanh, góp phần khôi phục và phát triển du lịch một cách bền vững, nhanh chóng thích ứng với tình trạng bình thường mới.
Việt Nam có 700 cơ sở lưu trú nhận huy hiệu “Du lịch bền vững”
Dựa trên các tiêu chuẩn vững chắc hiện có dành cho chỗ nghỉ bền vững, Booking.com đã phát triển cùng các chuyên gia trong ngành, đặc biệt trong Liên minh Travalyst, để xác định các biện pháp hiệu quả nhất cho chỗ nghỉ khi xét theo 5 lĩnh vực chính: Chất thải, năng lượng và khí nhà kính, nguồn nước, hỗ trợ cộng đồng địa phương và bảo tồn thiên nhiên. Trong hơn 700 cơ sở lưu trú tại Việt Nam nhận được huy hiệu “Du lịch bền vững”, Hà Nội có 91 cơ sở lưu trú, Sa Pa có 23 cơ sở lưu trú, TP.HCM có 76 cơ sở lưu trú, Nha Trang có 22 cơ sở, Phú Quốc có 17 cơ sở lưu trú,… từ khu nghỉ dưỡng cao cấp tới các khu homestay, khách sạn nhỏ nhưng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí bền vững. Theo một khảo sát của Booking.com, 92% du khách Việt nêu rõ rằng khả năng cao họ sẽ chọn một chỗ nghỉ cụ thể nếu biết chắc nơi đó đang áp dụng các biện pháp bền vững; và 82% du khách Việt đang kỳ vọng ngành du lịch cung cấp các lựa chọn bền vững hơn. |