Những sợi dây nhựa buộc gạch ống bị vứt đi qua bàn tay cụ ông Nguyễn Văn Lẹ (77 tuổi ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) đã trở thành những sản phẩm hữu ích cho cuộc sống được nhiều người đặt mua.
Cụ ông thích tái chế
Trên những con đường quê ở xã Tây Yên A, huyện An Biên mọi người đã quen thuộc với hình ảnh một ông cụ đạp xe cọc cạch khắp nơi để tìm “rác”. Dù đã lớn tuổi và con cháu trong nhà muốn ông nghỉ ngơi an nhàn tuổi già nhưng ông vẫn hăng say với công việc tái chế.
Nhìn những vật dụng vừa đẹp mắt lại chắc bền như giỏ xách đi chợ, sọt đựng trái cây, giỏ đựng tôm, thúng, chậu hoa kiểng… do ông Lẹ đan ra không ai nghĩ nó được tái chế từ dây nhựa bỏ đi.
Ông Lẹ kể, khi đi ngang các công trình xây dựng ông thấy dây nhựa dùng chằng gạch ngói rất nhiều nhưng người ta đốt hoặc cắt bỏ rồi vứt xuống kênh, mương làm cản trở ghe, xuồng qua lại. Một lần tình cờ trò chuyện cùng người thân làm nghề phụ hồ ông đã nảy ra ý tưởng biến dây nhựa thành vật dụng hữu ích.
“Tôi thấy dây nhựa buộc gạch có độ cứng, chắc chắn rất thích hợp dùng làm nguyên liệu thay thế tre trúc để đan thành các sản phẩm thủ công. Nó có độ bền cao lại hạn chế được rác thải nhựa khó phân hủy ra môi trường nên tôi đã thử”, ông Lẹ chia sẻ.
Kỳ công tái chế
Ông bắt tay thực hiện ý tưởng thu gom, tái chế rác thải nhựa từ năm 2020. Để có nguồn nguyên liệu, mỗi ngày ông đạp xe đến các cửa hàng, kho chứa vật liệu xây dựng để hỏi xin những sợi dây nhựa bỏ đi. Sau khi biết ông dùng dây nhựa để tái chế đan giỏ xách mọi người rất ủng hộ. Dần quen, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng cũng gom sẵn cho ông tới lấy.
Dây mang về được ông vệ sinh sạch, loại bỏ bụi, xi măng sau đó phân loại theo màu rồi bó gọn cho tiện khi đan. So với loại dây nhựa thông thường, loại dây này có độ cứng cao hơn nên tốn nhiều công sức và phải làm tỉ mỉ hơn.
Bà Nguyễn Thị Mận, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Mương Chùa, xã Tây Yên A nhận xét, ở đây mọi người hay mua giỏ nhựa (bán ở các cửa hàng) để dùng nhưng sau một thời gian rất nhanh bị hư còn giỏ xách ông Lẹ làm ra có độ bền rất cao, chắc chắn, lại đẹp mắt không thua kém các sản phẩm hiện bán trên thị trường.
Bà Mận chia sẻ: “Nhiều người không tin những sản phẩm này được làm từ nguyên liệu bỏ đi vì sản phẩm rất đẹp lại bền chắc. Một phần vì chất liệu nhựa một phần vì tay nghề đan rất giỏi của ông Lẹ. Địa phương rất hoan nghênh tinh thần của ông vì tuổi cao nhưng vẫn sáng tạo, dám nghĩ, dám làm những điều có ích như vậy”.
Còn khỏe là còn làm
Hiện nay, sản phẩm giỏ nhựa từ dây buộc gạch của ông Lẹ được nhiều người đặt mua vì nó có thể đựng trái cây, rau củ quả… chịu tải lên đến 100kg. Đơn hàng quá nhiều ông làm không kịp giao và cũng không đủ giao vì phải chờ đi gom được nguyên liệu. Nhiều người trêu vui ông là đi mua dây về đan bán luôn cho nhanh không cần đi gom nữa. Ông Lẹ vui vẻ đáp: “Tôi làm vì muốn góp sức nhỏ của mình giảm bớt rác nhựa, tạo ý thức cho mọi người biết quý trọng môi trường chứ không phải làm chỉ để bán. Nếu kinh doanh thì tôi đã đi mua nguyên liệu về đan rồi chứ không phải vất vả đi tìm nhặt mỗi ngày”.
Ông Lẹ cho biết, nhìn chiếc giỏ nhựa đơn giản như vậy nhưng để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh phải tốn nhiều công sức, nếu thợ lành nghề có khi cũng phải 2, 3 người cùng làm. “Sợ tôi lớn tuổi làm mệt nhọc nên con cháu cũng lo lắng. Nhưng mình làm vừa luyện gân luyện cốt cho khỏe người lại có ích như vậy thì mình vui, mình thoải mái tinh thần hơn, còn khỏe là còn làm. Tôi cũng mong qua đây sẽ giúp lớp con cháu thấy được việc bảo vệ môi trường quan trọng như thế nào ”, ông Lẹ chia sẻ.