Với hy vọng truyền cảm hứng cho nhiều người Thái tái chế rác thải nhựa, hai công ty địa phương đã hợp tác làm bùa hộ mệnh Phật giáo bằng cách sử dụng 9 loại vật liệu có thể tái chế, từ chai nhựa đến lưới đánh cá bằng nylon.
Theo một báo cáo của nhóm Ocean Conservancy có trụ sở tại Mỹ, Thái Lan, đất nước có Phật giáo là tôn giáo lớn nhất, là nước “đóng góp” nhiều thứ 5 về lượng rác thải trong đại dương.
Bùa Thái với hình ảnh Phật giáo rất phổ biến ở quốc gia Đông Nam Á này và nhiều người hy vọng chúng sẽ mang lại tâm linh và may mắn cho họ.
Krit Phutpim, Giám đốc của Dots Design Studio, một trong những công ty đứng sau dự án ra mắt tại triển lãm tuần lễ thiết kế ở Bangkok, Thái Lan cho biết: “Ý tưởng về chiếc bùa hộ mệnh bằng nhựa là kết quả của việc tìm kiếm mối liên hệ giữa môi trường và văn hóa Thái Lan”.
Teerachai Suppameteekulwat, người sáng lập công ty khác cũng đứng sau dự án Qualy Design cho biết, chiếc bùa hộ mệnh được ra mắt trong tuần này có chữ Thái Lan với từ “nhận thức” ở mặt sau để nhắc nhở mọi người ý thức rằng việc tiêu thụ hàng ngày của họ không được gây hại cho môi trường.
Những chiếc bùa hộ mệnh, được các nhà sư ban phước, được phân phát để đổi lấy ít nhất 1 kg nhựa hoặc tối thiểu 100 baht (3,07 USD) cho mỗi chiếc bùa hộ mệnh, với số tiền dành cho các tổ chức từ thiện khác nhau.
Dự án đã gây ra một số tranh cãi trên phương tiện truyền thông xã hội, với những băn khoăn về việc liệu một chiếc bùa hộ mệnh có nên được làm từ vật liệu tái chế hay không. Thông thường, bùa hộ mệnh được làm từ các vật liệu như xương, gỗ hoặc kim loại. Chúng có thể chứa tro từ nhang được đốt tại một ngôi đền hoặc tóc của một nhà sư được cho là có thể làm tăng thêm sức mạnh của người đeo.