Công ty khởi nghiệp Air Protein cho biết họ có thể chuyển hóa khí CO2 thành những miếng thịt nhờ công nghệ lên men đặc biệt.
Sau thịt tổng hợp từ thực vật, thịt lên men từ khí có thể là trào lưu thịt thay thế mới. Air Protein, công ty khởi nghiệp tại San Francisco đã nhận 32 triệu USD đầu tư ở vòng gọi vốn Series A để tổng hợp, lên men thịt từ khí CO2.
Theo Wired, 2 nhà khoa học Lisa Dyson và John Reed của Air Protein đã thành công trong việc nghiên cứu một tài liệu từ năm 1967 của NASA. Khi đó, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ đang tìm cách cung cấp thức ăn cho các phi hành gia trong một chuyến du hành dài ngày.
Tại thời điểm đó, các nhà khoa học của NASA đã nảy ra ý tưởng kết hợp vi khuẩn với khí CO2 từ hoạt động hô hấp của nhóm phi hành gia để tạo thức ăn. Tuy nhiên, vì chương trình không gian sau đó đã thất bại nên ý tưởng này dần trôi vào lãng quên.
Năm 2008, ý tưởng có tuổi đời hàng thập kỷ này đã truyền cảm hứng cho Dyson và Reid thành lập Kiverdi, một công ty sử dụng khí CO2 tái chế để tạo ra các sản phẩm thay thế cho tinh dầu cọ, cam chanh. Sau đó 11 năm, 2 nhà khoa học này thành lập Air Protein với tham vọng hiện thực hóa ý tưởng tạo ra thịt từ không khí.
Quá trình tổng hợp protein từ không khí có nhiều điểm tương đồng với cách làm sữa chua hiện nay. Trong đó, công ty Air Protein sẽ sử dụng chính khí CO2 kết hợp với các lợi khuẩn để lên men tự nhiên. Tiếp theo, họ tiến hành nuôi cấy lợi khuẩn bên trong các thùng và cung cấp dinh dưỡng cho chúng bằng hỗn hợp CO2, oxy, khoáng chất, nước và nitơ.
Kết quả cuối cùng của quá trình lên men là một loại bột giàu protein, chứa các thành phần axit amin tương tự như protein từ thịt. Tuy nhiên, giải pháp chuyển đổi từ dạng bột protein sang các miếng thịt vẫn đang được tiếp tục cân nhắc.
“Chúng tôi đang thêm các kỹ thuật nấu nướng để mang đến cho bạn những kết cấu thịt khác nhau mà bạn tìm kiếm”, Dyson cho biết.
Sự thành công của thí nghiệm đang mở ra một hướng đi mới cho các nhà khoa học trong việc bảo vệ môi trường. Trước hết, bản chất của quá trình này là sử dụng chính khí CO2 thông qua các nhà máy thu khí trực tiếp để tạo ra protein. Bên cạnh đó, nó còn giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên đất và nước so với hoạt động chăn thả gia súc như hiện nay.
Tuy nhiên, sản phẩm thí nghiệm của Air Protein khó cạnh tranh về giá so với ngành công nghiệp chế biến thịt truyền thống. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng mỗi miếng thịt được tổng hợp từ không khí còn có giá cao hơn cả protein tổng hợp từ đậu nành và nấm.
Hiện tại, nhà khoa học Lisa Dyson cho biết công nghệ của Air Protein không đòi hỏi việc thuê không gian rộng lớn, do đó chi phí tổng thể sẽ không bị đội lên. Bên cạnh đó, công ty còn chủ yếu dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất.
“Công nghệ của chúng tôi vừa có thể tiết kiệm chi phí ngay từ đầu, mà còn có cơ hội giảm giá thành nếu tăng quy mô sản xuất”, Lisa Dyson nói.
Theo ước tính, số lượng tiêu thụ thịt toàn cầu hiện vào khoảng 350 triệu tấn/năm và không ngừng tăng lên. Tới năm 2050, dân số toàn cầu được dự đoán sẽ tăng lên 10 tỷ người, đồng nghĩa với việc chúng ta cần nhanh chóng tìm ra các công nghệ mới để hạn chế nạn đói trên toàn cầu.
Vào đầu năm 2021, Air Protein đã huy động được hơn 30 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm ADM Ventures, Barclays và GV. “Chúng tôi đang cố gắng xác định lại cách thức sản xuất thịt. Tôi rất vui được trở thành một phần của phong trào đó”, Dyson chia sẻ.