Với diện tích hơn 9 ha, rừng dừa nước Tịnh Khê, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) được hình thành từ cách đây hơn 100 năm, được ví von là “lá phổi xanh” của khu Đông. Trải qua nhiều biến cố, người dân xã Tịnh Khê đang kỳ vọng rừng dừa nước bên dòng sông Kinh sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái, mở ra cơ hội bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái nơi đây.
Theo các bậc cao niên ở xã Tịnh Khê, cùng với rừng dừa nước tuyệt đẹp, hệ sinh thái ở sông Kinh vô cùng phong phú. Trước thập niên 90, nguồn thủy sản trên sông Kinh thuộc tốp dồi dào và đặc trưng nhất Quảng Ngãi. Trong đó phải kể đến những loại như cá bống, cá đối, sò huyết, lịch…
Không chỉ có ý nghĩa về mặt đa dạng sinh học, trong những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm, rừng dừa nước Tịnh Khê đã tạo thành một địa thế chiến lược hiểm yếu, là nơi các lực lượng vũ trang trú ẩn, chống lại những trận càn quét của địch. Lịch sử đấu tranh của quân và dân xã Tịnh Khê gắn liền với nhiều trận đánh ở rừng dừa nước này.
Bà Nguyễn Thị Tía là thương binh 3/4 (66 tuổi), ở xóm Khê Thủy B, thôn Trường Định, xã Tịnh Khê) vẫn còn nhớ như in những năm tháng khốc liệt ấy. Bà Sáu tham gia du kích ở địa phương, từng chứng kiến không biết trận chiến đấu giữa bộ đội, du kích và binh lính Mỹ. “Rừng thành chỗ ẩn nấp, sông là nơi cung cấp tôm, cá nuôi bộ đội và dân làng. Trong chiến tranh, không có rừng dừa này thì chắc cũng không có xã Tịnh Khê hôm nay, cũng không có chuyện 2 lần được công nhận xã anh hùng vào năm 1969, 2005” – bà Tía kể.
Trải qua thời gian và nhiều biến cố, rừng dừa nước Tịnh Khê hiện có diện tích hơn 9 ha, bị thu hẹp nhiều so với thời kháng chiến do người dân đào ao nuôi trồng thủy sản. Giai đoạn rừng dừa nước trên sông Kinh bị tàn phá nhiều nhất vào các năm 1989 – 2001. Lúc ấy nghề nuôi tôm sú mang lại nguồn thu nhập cao nên nhiều người ồ ạt phá dừa, lấn sông Kinh để nuôi tôm tự phát. Những năm đầu trúng lớn, nhiều người phất lên chỉ sau vài vụ tôm. Nhưng cũng chỉ được vài năm thì nguồn nước sông Kinh bị ô nhiễm, tôm nuôi bị bệnh chết, người nuôi thất thu. Hàng loạt hồ nuôi bị bỏ không, người dân chuyển sang nghề chằm lá dừa, đan lát… Diện tích rừng dừa cũng vì thế được bảo tồn.
“Rừng dừa nước này như máu thịt của tôi, kỷ niệm tuổi thơ mò cua, bắt ốc ở đây. Lớn lên theo cha mẹ làm nghề chằm lá dừa miết đến giờ, bây giờ làm cũng để lấy niềm vui dù ít tiền nhưng mình coi như để trông giữ rừng dừa, vừa khai thác vừa bảo vệ rừng dừa nước mà cha ông để lại” – bà Tía trải lòng.
Hiện, ở đây còn khoảng chục hộ dân gắn bó với nghề chằm lá dừa, bình quân mỗi ngày ngày bà Tía đan khoảng 20 – 25 tấm, mỗi tấm giá hiện nay là 35 nghìn đồng. Lá dừa mỗi năm thu hoạch 2 lần từ tháng Giêng đến tháng 2 và từ tháng 6 đến tháng 7. Người dân phơi lá dừa khô, sau đó dùng nan tre bện lá dừa thành từng tấm, mỗi tấm gồm 25 đôi lá dừa bện lại.
Tuy nhiên, vấn đề lo ngại hiện nay là nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở khu vực này suy giảm đáng kể bởi hoạt động đánh bắt bằng cách thả rập lồng. Khác với công cụ truyền thống, rập lồng này “nuốt trọn” cá lớn lẫn cá bé. Dọc sông Kinh có hàng trăm hộ dân sống bằng nghề đánh lưới rọ lồng. Dưới những tán dừa nước, rọ lồng giăng như ma trận. Tầm 14 giờ chiều, nhiều người chèo ghe đặt rọ lồng khắp những luồng lạch nhỏ trên sông Kinh. Đến 1 – 2 giờ sáng họ thu rọ bắt tôm, cá.
“Vấn đề khai thác theo kiểu tận diệt này địa phương chưa có chế tài xử lý cụ thể. Đây là câu chuyện dài hơi và khó, vì nó là kế sinh nhai của họ. Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân bỏ dần cách đánh bắt thủy sản bằng rọ lồng và “đối đãi” hài hòa với nguồn lợi từ thiên nhiên”, ông Võ Minh Chính, Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê chia sẻ.
Cũng theo ông Chính, nhiều kế hoạch phát triển du lịch sinh thái rừng dừa nước bên dòng sông Kinh để tạo sinh kế bền vững cho người dân, góp phần chấm dứt việc khai thác theo kiểu tận diệt nhưng chưa thể triển khai. Năm 2020, Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê được thành lập với hàng chục xã viên nhưng đến giờ vẫn chưa thể thực hiện.
“Mục tiêu của hợp tác xã là phát triển du lịch trải nghiệm như làm nông dân, ngư dân, chằm lá dừa nước và khai thác những dịch vụ du lịch tiềm năng khác. Lẽ ra dự án này được thực hiện từ năm 2020, nhưng do dịch bệnh nên đến nay vẫn ngưng trệ. Năm 2022, nếu dịch Covid-19 được khống chế, dự án này sẽ được triển khai”, ông Chính cho biết.